Bất cập trong vận tải container:

Đường bộ oằn mình, đường sắt ngậm ngùi

Chủ Nhật, 12/07/2015, 07:15
Trong khi giao thông đường bộ đang oằn mình gánh rất lớn lượng xe tải, đầu kéo, container quá tải gây ra hàng loạt hệ lụy liên quan đến cầu đường, kẹt xe, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông thì ngành đường sắt với tham muốn vận chuyển hàng hóa bằng container vẫn chưa được các DN, khách hàng chọn lựa, vì sao?

Ai cũng biết, việc vận chuyển container bằng đường sắt có ưu điểm vận chuyển được khối lượng lớn hàng hóa, an toàn cao, giá thành hạ hơn so với đường bộ. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành đường sắt chỉ vận chuyển với tỷ lệ khiêm tốn, ít ỏi so với đường bộ.

Theo thống kê, vận chuyển container đường sắt chỉ khoảng 20% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và 30% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Ngành đường sắt có 4.193 toa xe các loại vận chuyển hàng hóa, trong đó có 746 toa xe M chuyên dùng chở container, hiện có 293 đầu máy các loại, có 34 ga nhận chuyên chở container. Nhưng khối lượng vận chuyển container khoảng 9% khối lượng vận chuyển hàng hóa, tập trung chủ yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và Hải Phòng - Lào Cai.

Vận tải đường sắt có giá thành rẻ nhưng chưa nhiều doanh nghiệp thuê vận chuyển container.

Theo ông Nguyễn Quân Quang - GĐ Công ty XNK Liên An rất tâm đắc với vận tải container đường sắt nhiều năm qua cho biết: Thử tính, quá trình vận chuyển container từ kho đến kho phải thêm phần tác nghiệp đầu cuối. Do đó, tổng giá cước vận chuyển đường sắt sẽ bằng giá xếp cộng giá vận chuyển ôtô đường ngắn đến điểm tập kết, giá chuyển tải, giá cước đường sắt, giá chuyển tải, giá vận chuyển ôtô đường ngắn, giá dỡ…

Vì vậy, trong phạm vi khoảng 100km giá cước trọn gói của đường sắt chắc chắn cao hơn đường bộ. Do đó, nếu tính toán kinh tế, từ TP Hải Phòng vận chuyển hàng hóa container đến Lào Cai bằng đường sắt, giá cước trọn gói bằng 60% giá cước vận chuyển đường bộ. Điều này đường sắt không thể đáp ứng được.

Do đó, đã có nhiều đề án vận tải hàng hóa container đường sắt từ nhiều năm qua, nhưng các DN vẫn không thể mặn mòi gì. Mặc dù ai cũng biết, nếu đường sắt gánh khoảng 10% tổng lượng hàng hóa, chắc chắn lượng xe tải trên các quốc lộ sẽ giảm rất nhiều lần.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng yêu cầu, trước năm 2014 toàn bộ container 40 feet sẽ phải vận chuyển bằng đường sắt, đồng thời triển khai kiểm soát xe trọng tải đường bộ bằng các trạm cân và cân di động. Nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa có gì mới mẻ hơn. Tình trạng xe quá tải ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Thực tế cho thấy, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa có đường sắt kết nối với các cảng biển. Hiện tại chỉ có một tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và kết thúc tại ga Sài Gòn giữa trung tâm TP. Theo quy hoạch đến năm 2020, xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo thiết kế dài trên 120km sẽ đi dọc QL51, có 17 ga, tốc độ trung bình 200 km/giờ.

Theo đó, hai nhánh đường sắt nối từ tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu Cảng Thị Vải - Cái Mép và đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh để nối với đường sắt xuyên Á, đường sắt TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ… nhưng vẫn đang còn là dự án. Từ đó cho thấy, năng lực vận chuyển container bằng đường sắt, thay thế đường bộ đang quá tải vẫn còn là câu chuyện dài.

Thực tế cho thấy, giá cước vận tải đường sắt đắt gấp 2 lần (cộng cả cước xếp dỡ hai đầu và cước vận chuyển đường ngắn). Nếu không có cơ chế đặc biệt thì việc chuyển container từ đường bộ sang đường sắt sẽ khó thành hiện thực. Cơ chế đặc biệt, chính là chế độ bù giá, cấp đất xây cảng cạn, nguồn vốn ưu đãi đóng mới toa xe chở container, phương tiện bốc xếp, nâng cấp cầu đường nâng cao năng lực vận chuyển trên một số tuyến… Chưa kể đến những ga tàu lửa hiện nay trong tình trạng chật chội, nằm o ép giữa các khu trung tâm nội đô, các phương tiện vận chuyển container đến ga là không thể.

Công ty TNHH MTV Vận tải Hàng hóa Đường sắt đã có rất nhiều nỗ lực, giải pháp để lôi kéo các chủ hàng vận chuyển container bằng đường sắt, nhưng hiện nay vẫn chưa có hiệu quả. Trong xu thế tất yếu container chủ lực sẽ vận chuyển bằng đường sắt nhưng hiện nay, đường biển, đường bộ vẫn đang là sự lựa chọn hàng đầu. Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc  Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết: Phải xây dựng thêm các trung tâm logistics, liên kết liên doanh với các đối tác nước ngoài, thu hút vốn đầu tư của họ và còn thu hút được cả luồng container của họ đang đi trên đường bộ nữa.

Xã hội hóa ngành vận tải đường sắt đang là một nhu cầu, tháo gỡ cơ chế vướng mắc hiện nay bằng cơ chế đổi hạ tầng lấy công trình. Hiện Ga Sài Gòn đang có một Tập đoàn của Hàn Quốc liên doanh với đối tác ở TP Hồ Chí Minh rất nhiệt tình đầu tư xây dựng tổ hợp vận tải và thương mại dịch vụ. Nhưng hiện nay đang là quy hoạch chưa chi tiết.

Hoàng Châu - Ngọc Lan
.
.
.