Doanh nghiệp vận tải bất bình vì phí cao tốc, Quốc lộ 5 tăng cao

Thứ Sáu, 18/03/2016, 09:41
Ngay sau khi thông tin từ ngày 1-4 tới đây, mức phí phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5 sẽ tăng thêm 50%, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tăng khoảng 25% so với hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải đã tỏ ra bất bình và lo lắng. Theo đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải, dù phí tăng cao nhưng chưa thể điều chỉnh giá cước bởi phải có lộ trình, thời gian.


Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng cho biết, doanh nghiệp hiện có 80 đầu xe chạy dọc cả 2 tuyến đường sắp tăng mức phí qua trạm thu. Bình quân một tháng, đơn vị phải chi trả tới 800 triệu đồng tiền thu phí cho phương tiện. 

“Ngày thường các xe của công ty đang chạy trên tuyến đường này lỗ bởi khách ít, không bù đủ chi phí. Chỉ có những ngày cuối tuần, lễ, Tết thì mới có lãi. Ngoài các chi phí nhiên liệu, nhân công, khấu hao xe nếu mức phí tăng thêm thì doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản tiền khá lớn và sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp vận tải”, ông Hải thừa nhận. 

Theo ông Hải, xe khách chạy trên quốc lộ 5 thu phí bằng vé tháng, quý thì chủ phương tiện được giảm 10% so với vé lượt, nên nhà xe có thể giảm giá thành vận tải. Nhưng cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thì không được như vậy, do tính theo km xe chạy. Đưa ra biện pháp nhằm giảm các khó khăn khi phí sắp tới tăng cao, ông Hải cho rằng, doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải tính toán lại biểu đồ lượt xe chạy trên tuyến cao tốc cho hợp lý. 

Đặt câu hỏi đến việc phí tăng, đơn vị vận tải có tính đến chuyện tăng cước, ông Hải khẳng định, doanh nghiệp không tính đến chuyện nâng giá vé hành khách vì hiện tại giá xăng dầu đang ổn định nếu tăng cước thì sẽ không có khách đồng thời các chủ xe cũng phải nhìn nhau để điều chỉnh nhằm tạo sự cạnh tranh về giá. 

Đồng tình quan điểm này, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bus Hải Phòng thông tin, đơn vị đang khai thác xe khách tuyến Hà Nội-Hải Phòng trên cả cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và quốc lộ 5, việc tăng phí khá cao của đơn vị đầu tư từ 1-4 tới đây chắc chắn sẽ làm doanh nghiệp khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng cao trong khi doanh nghiệp không thể tăng cước.

Trạm thu phí trên QL5.

“Công ty sẽ phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, giãn nốt khai thác nếu quá khó khăn”, đại diện Công ty Bus Hải Phòng bày tỏ.

Đối với cước vận tải hàng hóa, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, việc tăng phí đã có lộ trình từ liên Bộ  Giao thông Vận tải và Tài chính, các doanh nghiệp vận tải đều biết, tuy nhiên có bất cập là sẽ làm cho giá thành đầu vào tăng cao, giá cước sẽ tăng, sản phẩm hàng hóa cũng phải điều chỉnh ảnh hưởng đến người dân. Ông Tiến cũng bày tỏ, giá cước tăng hiệu quả kinh doanh sẽ giảm đi. Nếu chủ hàng không chấp nhận điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng không có cách nào vì bỏ chở hàng thì sẽ không có việc để làm.

Thừa nhận lộ trình tăng phí đã được liên Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính phê duyệt trước khi ký hợp đồng BOT, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận, cơ quan Nhà nước lấy lý do hợp đồng kinh tế đã được ký kết nên nếu không làm sẽ phá vỡ hợp đồng kinh tế, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư.

“Bao giờ, các cơ quan chức năng cũng đưa ra quan điểm tăng phí là để bảo vệ quyền lợi hoàn vốn của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư khác tiếp tục tham gia các dự án BOT xây dựng hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận, không thể thay đổi được các quyết định của cơ quan Nhà nước”, ông Liên bổ sung thêm. 

Đánh giá thực trạng phí BOT không phù hợp với sức mua của người dân và gây áp lực đến đời sống kinh tế - xã hội, ông Liên cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nhiều trạm BOT quá, người dân ngạt thở về các loại phí. 

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị những tuyến đường nào trạm BOT dày quá, Nhà nước nên mua lại một số trạm để giảm sức ép cho người dân, đồng thời khi tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nên có lộ trình thực hiện chứ không thể nào cùng một lúc người dân phải chịu quá nhiều trạm BOT bao vây.  

Sẽ nghiên cứu giảm giá vé tháng, quý cho phương tiện vận tải

Liên quan đến việc các doanh nghiệp “than” vì giá phí cao, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, lộ trình tăng thì vẫn phải đảm bảo, không thể lùi lại hơn nữa.  Song để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải lưu thông trên quốc lộ 5, chủ đầu tư tuyến đường sẽ nghiên cứu thời gian đầu miễn giảm hoặc giảm giá vé quý, vé tháng cho phương tiện vận tải. 

Theo cam kết của doanh nghiệp, đây là đợt tăng phí cuối cùng của quốc lộ 5. Sau năm 2016, việc tăng phí sẽ áp dụng theo mức tăng giảm của chỉ số CPI. Trả lời về việc tăng phí sẽ làm gia tăng xe tải trốn trạm thu phí, ông Đào Văn Chiến cho biết, thẩm quyền kiểm soát xe quá tải trọng chạy trên các tỉnh lộ thuộc về lực lượng chức năng địa phương.

Xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp hộp đen trước ngày 1-7 tới

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam về lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa. 

Theo đó, trước 1-7-2016, phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, cấp phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). 

Trước 1-1-2017, phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, cấp phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình.

Đặng Nhật
.
.
.