Đánh đu với Thần Chết từ việc liều mình vượt đường ngang

Chủ Nhật, 17/04/2016, 07:20
Thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, trong quý 1-2016, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, khiến 4 người chết, 1 người bị thương. Điều đáng chú ý là cả 4 vụ tai nạn kể trên đều có nguyên nhân từ việc người dân qua đường ngang không quan sát cũng như không để ý tín hiệu cảnh báo có tàu chạy qua của ngành Đường sắt.

 

Khoảng 7h sáng 13-4, tại đường ngang có người gác km 28+429, nút giao tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển với QL21B, thuộc khu vực quận Hà Đông, Hà Nội, nhân viên gác chắn nhận được điện báo có đoàn tàu hàng sắp qua, liền ra tác nghiệp đóng chắn.

Lúc này, do vào giờ cao điểm nên lượng người và phương tiện lưu thông qua đoạn đường này rất đông. Biết được tâm lý ngại đợi tàu của người dân nên hai nhân viên đã cố gắng đẩy dàn chắn ra đường, để ngăn dòng người đi qua. Song  nhiều người điều khiển xe máy, xe đạp, thậm chí trên xe đèo cả trẻ con vẫn cố tình lách qua, khiến hàng chục người cùng xe máy mắc kẹt giữa hai dàn chắn, trên đường ray.

Trước nguy cơ tai nạn nhưng không thể kéo ngược dàn chắn vì sợ dòng xe cộ bên ngoài tiếp tục tràn qua, nhân viên gác chắn đã phối hợp với nhân viên gác ghi ga Hà Đông đang làm nhiệm vụ gần đó ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. Rất may tàu đang chạy chậm nên lái tàu tàu hàng số hiệu A4836, chạy hướng Phú Diễn đi Hà Đông đã phanh gấp, kịp thời dừng đoàn tàu trước đường ngang. Khoảng 3 phút sau, khi đường thông thoáng hơn, đoàn tàu mới tiếp tục chạy vào ga Hà Đông.

“May mắn đây là đoàn tàu hàng, nếu là đoàn tàu khách chạy tốc độ cao, không dừng kịp thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Nhưng nếu nhân viên gác chắn nhắc nhở, ngăn cản sẽ bị người dân, lái xe văng tục, đe dọa”, ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái chia sẻ.

Vụ việc này chưa kịp lắng xuống thì vào khoảng 9h20, tại đường ngang có gác vị trí km 12+639 tuyến đường sắt Bắc - Nam, thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, nhân viên gác đường ngang đã đóng chắn chuẩn bị đón tàu Thống Nhất SE5 thông qua. Bất ngờ, một chiếc xe cứu hỏa lao thẳng vào hàng rào sắt ngăn cách đường sắt - đường bộ khiến hàng rào gãy, đâm vào nhân viên gác đường ngang Trần Thị Diệu đang làm nhiệm vụ khiến chị Diệu bị thương.

Người dân cố tình vượt đường ngang dù đã có tín hiệu báo sắp có tàu chạy qua.

Thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội, trong quý 1-2016, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, khiến 4 người chết, 1 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2015 đã giảm 4 vụ, và 4 người chết. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cả 4 vụ tai nạn kể trên đều có nguyên nhân từ việc người dân qua đường ngang không quan sát cũng như không để ý tín hiệu cảnh báo có tàu chạy qua của ngành Đường sắt. 

Thực tế, quan sát dọc theo tuyến đường sắt từ ga Hà Nội xuống ga Văn Điển, phóng viên nhận thấy tại một số đường ngang hợp pháp mặc dù đã được cắm biển báo “chú ý tàu hỏa” nhưng do thói quen đi lại tùy tiện đã khiến những cảnh báo ấy nhiều khi mất tác dụng.    

Liệu những hành vi trên của người dân có bị xử phạt? Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cũng cho biết, rất khó để xử lý hết người dân vi phạm. Vì thực tế, trên địa bàn thành phố có 6 tuyến đường sắt từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh với tổng chiều dài 157,20km đi qua 17 quận, huyện, 35 phường, 9 thị trấn và 44 xã. Hàng ngày đón tiễn khoảng 110 chuyến tàu, vận chuyển trung bình từ 10.5000 đến 12.000 lượt hành khách, hàng trăm tấn hàng hóa các loại.

Về công trình, tín hiệu báo hiệu cố định là 181 cột tín hiệu; 453 đèn tín hiệu, 254 biển hiệu, mốc hiệu; 54 biển báo; 465 mét rào chắn, 114 cọc mốc chỉ giới, 17 các báo hiệu khác.

Trên địa bàn Hà Nội cũng có 584 đường ngang, lối đi dân sinh trong đó có 69 đường ngang có cảnh báo tự động; 34 đường ngang có biển báo; 78 đường ngang có bố trí người gác chắn; 403 đường ngang mở trái phép, lối đi dân sinh, không có cảnh báo tự động, biển báo, người gác chắn. Chính việc nhiều đường ngang tự phát cũng là nguyên nhân gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường sắt.

Song, để khắc phục tình trạng này, không giải pháp nào hữu hiệu bằng cách người dân tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của mình. Nhất là trong trường hợp, nhận thấy tín hiệu cảnh báo, thì nên chờ đợi, tàu chạy qua rồi hãy băng qua đường ngang, chứ đừng vì ngại chờ đợi 1-2 phút mà liều lĩnh băng qua, để rồi đón nhận hậu quả khó lường. 

Phạm Huyền
.
.
.