Ai sẽ là người giám sát xếp hạng “sao” cho xe khách?

Thứ Sáu, 12/12/2014, 08:55
Bộ Giao thông vận tải đang soạn thảo lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự thảo Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ôtô, trong đó sẽ phân hạng chất lượng dịch vụ đối với phương tiện và hạng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô từ 1-5 sao.

Theo dự thảo, 3 loại hình kinh doanh là vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, du lịch và hợp đồng; vận chuyển hành khách bằng xe buýt và vận chuyển hành khách bằng taxi sẽ được đánh giá trên 5 tiêu chí để tính điểm.

Cụ thể, chất lượng phương tiện (tối đa 40 điểm); lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (tối đa 20 điểm); hành trình (tối đa 10 điểm, riêng taxi không tính điểm tiêu chí này); tổ chức, quản lý của đơn vị vận tải (tối đa 20 điểm); quyền lợi của hành khách (tối đa 10 điểm). Căn cứ vào tổng điểm của 5 tiêu chí trên, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của phương tiện được phân thành các hạng chất lượng. Cụ thể, đối với loại hình vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, du lịch và hợp đồng, việc phân loại chất lượng được đánh giá từ 1-5 sao.

Trước đó, vào đầu năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông” trong đó, phân ra 5 hạng xe vận tải, từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nhưng gặp phải nhiều phản đối.

Nhiều chủ doanh nghiệp vận tải cho rằng, doanh nghiệp vận tải hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đã phải tự nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, kinh doanh vận tải không như bất động sản. Khách sạn có thể gắn 4, 5 sao vì cơ sở hạ tầng tại chỗ và có thể nhìn thấy. Xe ôtô liên tục chạy trên đường nên chất lượng xuống cấp, đội ngũ lái phụ xe ứng xử với hành khách như thế nào liệu các tiêu chí có cập nhật, phân định rõ ràng.Vận tải nước ta còn nhỏ lẻ, chủ xe có thể tham gia với tư cách cá thể, thành viên của một doanh nghiệp nên có thể “núp bóng” thương hiệu để gắn sao. Mặt khác, gắn sao cho các loại xe theo chất lượng dịch vụ và ai sẽ là người hậu kiểm, quản lý việc này cũng cần câu trả lời thỏa đáng. Để nâng cao chất lượng vận tải, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý không cần phải “đẻ” thêm nhiều văn bản, quy định, chỉ cần thực hiện tốt các quy định hiện hành cũng đã cải thiện tốt chất lượng vận tải. Bên cạnh đó, cần thực hiện tái cơ cấu ngành Vận tải. Nghiên cứu “gom” doanh nghiệp nhỏ lại để có mô hình quản lý tập trung hơn. Các nhà xe nhỏ, lẻ thực hiện liên doanh với nhau để nâng cao chất lượng dịch vụ. “Khi doanh nghiệp vận tải phát triển, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh thì tự các đơn vị này sẽ loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém”, ông Liên khẳng định.

Đặng Nhật
.
.
.