Xử lý các BOT đặt nhầm chỗ: Nhà nước có thể phải bỏ tiền mua lại

Thứ Tư, 14/10/2020, 09:05
Báo cáo của Chính phủ cho biết, sau nhiều năm xử lý các trạm thu phí BOT bất hợp lý, gây bức xúc dư luận, đến nay 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã ổn. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 4 trạm thu phí BOT gồm: BOT T2 quốc lộ 91, BOT La Sơn - Tuý Loan, BOT Bỉm Sơn và BOT QL3 Chợ Mới - Thái Nguyên bất cập do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc.


Trả không được, lấy lại cũng chưa xong…

Với trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa), do trạm nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện kết luận của Chính phủ tại Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 26/6/2019, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn.

Tuy nhiên, do hiện có 3 tuyến song hành (gồm quốc lộ 1 qua TP. Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây), đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm, việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án. Do vậy, dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư. Trạm thu phí trên quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100) cũng đang lúng túng cách xử lý.

Trạm thu phí trên QL 3.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước khi cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí tại trạm quốc lộ 3 theo phương án miễn, giảm giá đã thống nhất.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thái Nguyên, có thể phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông khi triển khai thu phí. Bộ GTVT và UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp để hạn chế tối đa phát sinh các tình huống phức tạp. “Trường hợp quá khó khăn, Bộ sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên quốc lộ 3”, báo cáo cho biết.

Trạm thu phí T2 (hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và quốc lộ 91B), báo cáo cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang để xem xét các phương án xử lý vướng mắc đối với trạm T2.

Trên cơ sở đánh giá tình hình an ninh, trật tự, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của các địa phương lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B, giao UBND TP Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến quốc lộ 91B đã đầu tư nêu trên.

Điều đáng nói trước đó, ngay sau khi trạm T2 đi vào hoạt động đã bộc lộ những bất cập như trạm đặt cách Ngã ba Lộ tẻ Rạch Giá chừng hơn 300m thu luôn phương tiện đi theo QL 80 về phà Vàm Cống, TP Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT. Chính vì những bất hợp lý đó, trạm này luôn bị chủ phương tiện phản đối và đề nghị di dời đến vị trí hợp lý. Vấn đề nằm ở chỗ vị trí đặt trạm đã được cả Bộ GTVT và địa phương là UBND Cần Thơ đã đồng ý, thông qua và chủ đầu tư đã bỏ ra khoản tiền là 880 tỉ đồng, gồm 400 tỉ tiền giải phóng mặt bằng và 480 tỉ đồng chi phí xây dựng.

Cuối năm 2019, sau khi trạm này buộc dừng thu phí, một trong năm phương án được Bộ GTVT đưa ra là “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B (từ nguồn ngân sách của TP. Cần Thơ hoặc trung ương)”. Nghĩa là Nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 880 tỉ để “mua lại dự án” của doanh nghiệp và giao địa phương tiếp nhận để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì. Tuy nhiên, cho đến nay mọi việc mới chỉ dừng lại ở đề xuất trong khi trạm vẫn không được thu phí, nợ ngân hàng vẫn phải trả gây khó cho doanh nghiệp.

Riêng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước để hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính. Quan điểm của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp là cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan không chịu tác động của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.

Lùi thời hạn tăng giá sẽ phá vỡ phương án tài chính các trạm BOT

Theo báo cáo, do có những khó khăn, vướng mắc về giải pháp xử lý các trạm bất cập nêu trên nên đến nay các trạm vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu tại các dự án. “Trường hợp không được khắc phục sớm sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo”, báo cáo bày tỏ lo ngại. 

Về chính sách miễn, giảm giá đối với dịch vụ sử dụng đường bộ, báo cáo của Chính phủ cho hay đến nay, 100% các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã được Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá. Đối với chủ trương giảm giá chung, chưa tăng giá, báo cáo của Chính phủ cho thấy: Đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng. 

Trong hợp đồng dự án ký kết với nhà đầu tư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, chỉ số giá và phương án tài chính có thỏa thuận mức giá 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%/3 năm, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá, do đó theo tính toán sẽ có nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022.

Câu hỏi là vì sao những trạm BOT “đặt nhầm chỗ” gây bức xúc trong nhân dân lại phải mất quá nhiều thời gian giải quyết và quan trọng là không ai chịu trách nhiệm, để rồi Nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại? 

Thực tế, chủ đầu tư cũng không tự quyết định vị trí đặt trạm mà phải có sự đồng thuận, thoả hiệp của cả Bộ GTVT, chính quyền địa phương, thậm chí cả vai trò của ngân hàng rót vốn trong quá trình phê duyệt, thẩm định dự án. Trong khi người dân, đối tượng trực tiếp phải trả tiền lại không hề được hỏi ý kiến, tham vấn.

Phạm Huyền
.
.
.