Xem xét kỹ hiệu quả con đường "đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội

Thứ Bảy, 24/03/2018, 07:27
Với tổng mức đầu tư hơn 7.780 tỉ đồng cho khoảng 2,274 km thuộc dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục để khép tuyến vành đai 1 đang được xem là con đường “đắt nhất hành tinh”.


Theo kế hoạch, cuối quý 1-2018, số phận “con đường đắt nhất hành tinh” mới của Hà Nội sẽ được quyết định, khi báo cáo khả thi dự án được trình phê duyệt chính thức. Trong khi đó, dự án vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của không ít người dân cũng như các chuyên gia.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, ông Vũ Hà cho biết, từ năm 1999, dự án đường vành đai 1 đã 3 lần được điều chỉnh do thiếu vốn. Đến tháng 12-2017, sau khi cân đối được vốn, Hà Nội mới báo cáo để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục để khép tuyến vành đai 1.

Đoạn đường mới song song với đoạn đường Đê La Thành cũ, và phần đất giữa 2  con đường cũng sẽ được giải tỏa để làm vườn hoa và bãi giữ xe. Tổng vốn đầu tư dự án này là hơn 7.780 tỉ đồng. Đáng chú ý, đoạn đường mới chỉ dài khoảng 2,274 km, rộng 50 m.

Tuyến đường Hoàng Cầu- Voi Phục có giá 3,4 tỉ/m đường.

Ngay sau khi Hà Nội công bố thông tin này, dự án đã lập tức nhận được sự chú ý của dư luận, bởi suất đầu tư khổng lồ, lên đến hơn 3.420 tỉ đồng/1km đường. Dự án hiện đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo khả thi để trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội, các bên liên quan chuẩn bị đối thoại với người dân về sự cần thiết, cơ sở pháp lý, chi phí đầu tư của dự án.

“Chúng tôi khẳng định là dự án rất cần thiết, khi làm xong sẽ rất hiệu quả, vì đó là đoạn cuối của đường vành đai 1”, ông Bảo nhấn mạnh. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này đang vấp phải sự phản đối của không ít người dân trong khu vực giải tỏa. Số liệu từ BQL dự án cung cấp cho thấy, hiện có khoảng 138/2.300 hộ dân chưa đồng thuận.

Nếu dự án vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được phê duyệt chính thức thì đây sẽ là kỷ lục mới về con đường “đắt nhất hành tinh”. Trước đó, cũng trên tuyến vành đai 1, đoạn Kim Liêm - Ô Chợ Dừa có suất đầu tư 1,1 tỉ đồng/m đường, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có giá 1,4 tỉ đồng/m. Thời điểm 2015, đoạn Láng Hạ - Giảng Võ có suất đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng/m đường... và đến tuyến đường này, con số đã lên tới hơn 3,4 tỉ đồng/m đường.

Theo các chuyên gia, Hà Nội hiện rất cần thêm đường để giải tỏa áp lực giao thông. Tuy nhiên, nếu dự án trên được phê duyệt thì sẽ gây lãng phí rất lớn, bởi lẽ suất đầu tư cho 1m đường chủ yếu rơi vào kinh phí giải phóng mặt bằng (chiếm khoảng 82% tổng mức đầu tư), trong khi nếu số kinh phí này được sử dụng để đầu tư hạ tầng thì có thể làm được hàng trăm km đường và rất nhiều hạ tầng đô thị khác, làm giảm sức ép trong khu vực trung tâm. Vậy tại sao Hà Nội vẫn chọn cách này?

Theo KTS Phạm Gia Lượng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, người đã tham gia quy hoạch đường vành đai 1 từ năm 1996, từ khi bắt đầu quy hoạch, UBND TP Hà Nội đã đặt vấn đề là nghiên cứu mở đường thì phải làm quy hoạch cả 2 bên đường, nhưng sau đó gặp nhiều vướng mắc nên quy hoạch đó chưa được duyệt.

Đến năm 1998-2000, Sở Tài nguyên- Môi trường và Sở Xây dựng TP Hà Nội đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch, không chỉ lập quy hoạch mà còn tiến hành luôn việc lập dự án 2 bên đường để giải quyết tái định cư tại chỗ nhưng cũng không nhận được sự đồng thuận nên không thực hiện được. Và càng ngày, do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên dân cư khu vực này càng đông đúc, việc giải phóng mặt bằng càng khó khăn.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc tiếp tục thực hiện phương thức đầu tư như dự án Kim Liên- Ô Chợ Dừa là không hợp lý. Thay vào đó, nên phát triển đất đai ở hai bên đường, tức là phát triển một khu đô thị rộng lớn mà con đường là cái lõi. Phương thức này gọi là huy động tài chính từ đất đai đô thị.

Đồng quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cho hay: “Ở nhiều nước, họ quy hoạch lại toàn bộ hai bên tuyến đường cần đầu tư, tạo quỹ đất mặt đường rồi đấu giá thu lấy tiền làm đường; đồng thời, có thể quy hoạch xây dựng nhà chung cư để tổ chức tái định cư cho người dân tại chỗ. Tại Việt Nam, Đà Nẵng đã làm theo phương pháp này và đã thành công. Tôi không hiểu sao Hà Nội không áp dụng theo cách thức khoa học hơn như vậy”?

Chi Linh
.
.
.