Xe khách vi phạm dịp lễ:

Chế tài chưa nghiêm hay sự “nhờn” luật của lái xe?

Thứ Bảy, 02/05/2015, 08:48
Kỳ nghỉ lễ đã gần kết thúc. Bên cạnh sự thảnh thơi, vẫn là những thông tin về những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Trong số đó, hậu quả đau lòng nhất lại là tai nạn liên quan đến xe khách. Và nỗi lo thì không bớt đi, khi hằng ngày trên các cung đường, nhiều lái xe vẫn cố tình điều khiển những chuyến xe nhồi nhét khách, những chiếc xe chạy quá tốc độ, hết niên hạn sử dụng vẫn được lăn bánh…

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhận được gần 40 cuộc gọi và 10 tin nhắn với nội dung phản ánh về tình trạng xe khách chở quá số khách quy định và tăng giá vé, hiện tượng xe quá tải. Điển hình là việc phản ánh xe khách 30 chỗ mà nhồi nhét tới 100 người trên tuyến Móng Cái - Nam Định và tăng giá vé 100.000 lên 150.000 đồng trên tuyến Giáp Bát - Thanh Hóa.

Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh, xe khách tuyến Giáp Bát - Thanh Hóa đã trả lại hành khách tiền tăng giá vé. Tính đến ngày nghỉ lễ thứ 4 (1/5), đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhận được hơn 100 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh về tình trạng xe khách chở quá số khách quy định và tăng giá vé trái quy định tuyến từ Hà Nội đi Phú Thọ,  Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Đấy là những gì hành khách chủ động phản ánh, chưa tính đến việc có những chuyến xe hành khách bị nhồi nhét, bắt chẹt song chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” để có được chuyến xe sớm về nhà với người thân. Chấp nhận mua vé giá cao hơn ngày thường nhưng hành khách về quê vẫn không tránh khỏi cảnh nhồi nhét…

Nhà xe nào cố tình chở quá số người quy định sẽ bị tịch thu phù hiệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát thừa nhận, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, có tình trạng nhà xe thu vé quá giá. “Tuy nhiên chúng tôi khó kiểm soát, không có cơ sở xử lý vì hầu hết các nhà xe ra khu vực ngoài bến mới thu tiền của hành khách. Chúng tôi khuyến cáo hành khách vào bến mua vé nhưng họ không chịu vào”, ông Thành nói. Về tình trạng nhồi nhét khách như phản ánh kể trên ,ông Thành cho biết, phía bến xe có lực lượng quản lý bến xe chốt trực kiểm soát khu vực cổng ra vào bến kiểm tra, "nếu đông quá sẽ yêu cầu giảm bớt khách, còn ra ngoài khu vực bến thì không kiểm soát được".

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong những ngày nghỉ vừa qua, lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, cũng như trật tự bến xe đã “căng” sức để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử nghiêm xe khách vi phạm mỗi khi xuất bến. Có những ngày, tại bến Mỹ Đình lực lượng chức năng đã yêu cầu tới 60 nhà xe chở quá số người quy định phải hạ tải.

Thậm chí, để siết chặt quản lý, trước dịp nghỉ lễ, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình đã thẳng thắn đình tài từ 1-15 ngày với khoảng 100 nhà xe hay vi phạm chở quá số người quy định, tăng giá vé niêm yết. Thế nhưng, với tâm lý một năm chỉ có vài ngày nghỉ lễ để “kiếm lời”, nên nhiều nhà xe đều “bơ quy định”. Phải chăng quy định chưa nghiêm, hay mức phạt còn thấp?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ôtô.

Cụ thể, từ 1/6, sẽ áp dụng hình thức đình chỉ khai thác tuyến 3 tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định nếu có từ 10% số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chở quá số người hoặc quá tải trọng cho phép từ 10-50%. Đặc biệt, sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu 6 tháng đối với xe ôtô kinh doanh vận tải, xe trung chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các trường hợp như: Cố ý sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định; chở quá số người hoặc quá tải trọng cho phép từ trên 50%; không chấp hành hướng dẫn, xử lý vi phạm của người thi hành công vụ. Không dừng lại ở việc xử phạt với xe chở quá số người, thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định rõ: khi trich xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện vận tải hành khách trên tuyến cố định, vận tải khách du lịch, vận tải khách theo hợp đồng… trong 1 tháng cho thấy có từ 5% lượt xe trở lên trên tổng số lượt xe của phương tiện đó hoạt động người lái xe vi phạm hành trình hoặc 5 lần vi phạm tốc độ/1000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống) hoặc có từ 10% số ngày xe hoạt động, người lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của lái xe trong ngày, thì phương tiện vi phạm sẽ bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng.

Như vậy, với hàng loạt quy định tới đây sẽ được thực thi, hy vọng tình trạng xe khách vi phạm chở quá số người quy định, hay chạy quá tốc độ sẽ giảm dần. Người dân đi tham gia trên những chuyến xe khách đường dài sẽ thật sự an tâm hơn.

Thanh Huyền
.
.
.