Xe buýt Hà Nội đang dần bị người dân “từ chối”

Thứ Năm, 22/11/2018, 18:27
Ùn tắc, việc thay đổi lộ trình xe buýt quá nhiều thời gian qua đã khiến nhiều người dân từ chối không đi xe buýt. 

Tại buổi đối thoại giữa Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội với các doanh nghiệp vận tải về giải pháp nâng cao chất lượng và sản lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra sáng 22-11, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội là một trong những TP có hệ thống xe buýt được đầu tư tương đối lớn, đã phủ hết 30 quận huyện nhưng hiệu quả lại đang có vấn đề, nhiều tuyến bị giảm lượt khách đi.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT,  sản lượng toàn mạng trong 10 tháng của năm 2018 tăng  hơn 3,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số tuyến trợ giá tăng 6 tuyến (6%). Hàng năm TP đều dành hàng nghìn tỷ đồng trợ giá cho xe buýt, năm sau luôn cao hơn năm trước.

 “Chi phí trung bình cho một hành khách đi xe buýt cũng tăng. Điều này chứng tỏ mạng lưới xe buýt phát triển tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại nhưng hiệu quả thì đang có vấn đề. Cần phải đánh giá lại, giải quyết khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả, thu hút nhiều hơn người dân sử dụng VTKCC”, ông Viện đánh giá.


Ùn tắc khiến xe buýt giảm sức “hấp dẫn”.

Ông Viện phân tích, giá vé không phải là vấn đề cốt lõi, mà cần phải đặt vấn đề về trách nhiệm của doanh nghiệp một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ trông vào hỗ trợ, trợ giá của TP; chỉ ra đúng mong muốn của người dân để đáp ứng như tính kết nối, tiếp cận xe của buýt…

 Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Tramooc) cho rằng, sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt thấp hơn so với yêu cầu tăng trưởng (chỉ đạt 3,8% so với mục tiêu 5-8%); 30% số tuyến có sản lượng tăng, nhưng có đến 40% số tuyến và nhánh tuyến có xu thế giảm sản lượng. 

Nguyên nhân là do xe buýt vẫn phải chịu ảnh hưởng lớn của tình trạng nạn ùn tắc hiện nay. “Trong 10 tháng của năm, có tới 621 lượt xe phải bỏ lượt do tắc đường; thời gian chuyến đi của hành khách chưa được đảm bảo, số chuyến lượt phải điều chỉnh linh hoạt lên tới hơn 131.000 lượt xe (chiếm 2,9%); số chuyến lượt phải quay đầu lên tới hơn 24.000 lượt xe (chiếm 0,55%); phương tiện trên 10 năm vẫn chiếm trên 23%…Thậm chí, có những tuyến buýt mở ra phải 3 năm mới quen khách, nhưng hiện có một số tuyến điều chỉnh quá nhiều để phục vụ thi công hạ tầng, dẫn đến sụt giảm hành khách”, ông Hải phân tích.

Ngoài ra, hạ tầng phục vụ xe buýt mới chỉ có 12% các điểm dừng có nhà chờ. Thời gian chuyến đi của khách cũng bị ảnh hưởng, giảm sức hấp dẫn của xe buýt. Trong khi đó, nếu như trước kia, giá vé xe buýt rẻ là một lợi thế thì hiện đã dần mất đi lợi thế này. Trong bối cảnh hiện nay, muốn tăng sản lượng khách phải tăng được tốc độ di chuyển của xe buýt, đảm bảo đi lại cho người dân. Ngoài ra, việc thay đổi lộ trình xe buýt quá nhiều thời gian qua cũng khiến nhiều người dân từ chối không đi xe buýt. 

Để đảm bảo thời gian của xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, để tăng sức hấp dẫn với người dân, trong phương án tổ chức giao thông cần ưu tiên cho VTKCC, đối với những tuyến đường rộng có thể bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt. Đây là yếu tố quyết định để đảm bảo xe buýt chạy đúng giờ. 

Giám đốc Sở GTVT cũng thừa nhận, mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội dù đã phủ hết 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn nhưng vẫn thiếu tầm nhìn dài hạn. Phải khắc phục nhược điểm này và tổ chức luồng tuyến ổn định, tránh tình trạng như thời gian qua xe buýt “ nay chạy cung đường này, mai đổi cung đường khác”.


Diệp Linh
.
.
.