Xe ba bánh tự chế vẫn “tung hoành” trên các tuyến phố

Thứ Hai, 15/04/2019, 08:35
Cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý xe ba bánh tự chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, vi phạm lại tái diễn. Vậy đâu là giải pháp căn cơ chấn chỉnh tình trạng vi phạm này? PV Báo CAND đã ghi nhận thực tế và tìm hiểu về vấn đề này.


Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có hơn 1.300 người sử dụng xe ba bánh tự chế (tự sản xuất, tự lắp ráp) tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa. Trong số này chiếm đa phần là các thương, bệnh binh có nguyện vọng giữ lại phương tiện xe ba bánh tự chế để sử dụng. Đánh giá trên cho thấy, xe ba bánh tự chế hiện đã và đang được nhiều thương, bệnh binh sử dụng để mưu sinh. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, cùng với số phương tiện trên cũng xuất hiện tình trạng xe ba bánh tự chế giả danh xe thương binh, người tàn tật. 

Ghi nhận trên nhiều tuyến đường như: Đê La Thành, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng…, không khó để bắt gặp hình ảnh xe ba bánh tự chế giả danh xe thương binh, người tàn tật chở hàng hóa cồng kềnh, thậm chí cả những tấm tôn sắt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Điển hình mới đây, sáng 11-4, khi lưu thông trên tuyến đường La Thành (quận Đống Đa), nhiều người “phát hoảng” trước việc chiếc xe ba bánh tự chế giả danh xe thương binh chở theo những thanh sắt dài tới 4-5m. Chiếc xe này đi đến đâu, người tham gia giao thông lại tá hỏa đến đấy vì sợ những “chiếc giáo” trên đâm vào người.

Cán bộ Đội CSGT số 6 tăng cường kiểm tra, xử lý xe ba bánh tự chế vi phạm.

Vì sao xe ba bánh tự chế có đất sống? Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trước hết là do nhu cầu thuê xe ba bánh tự chế vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng của người dân trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ không ngừng tăng. 

Thêm vào đó, việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng bằng xe ba bánh tự chế trên các tuyến phố sẽ linh hoạt hơn xe tải, xe vận tải chuyên dùng. Nắm bắt nhu cầu trên, số xe ba bánh tự chế giả danh xe thương binh, người tàn tật xuất hiện ngày một nhiều. Có những trường hợp điều khiển xe ba bánh tự chế có gắn lô gô xe thương binh có tuổi đời chưa đến 40 (?). 

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT – Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, đã là xe ba bánh tự chế thì đồng nghĩa với việc loại phương tiện này không đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật, không được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, đăng kiểm, và đây chính là mối nguy hiểm trên nhiều tuyến phố, nhất là trên các tuyến đường có đường ngang giao cắt. Thực tiễn cũng đã xuất hiện những vụ tai nạn thương tâm mà thủ phạm là xe ba bánh tự chế.

Không chỉ chở hàng hóa cồng kềnh, nhiều trường hợp điều khiển xe ba bánh tự chế còn lưu thông với tốc độ cao trên tuyến đường cao tốc – vành đai 3 trên cao, trong khi các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phương tiện không đảm bảo. 

Ngày 10-4, theo chân Đội CSGT số 6, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên tuyến đường vành đai 3 trên cao, tuyến đường chỉ dành cho xe ôtô tham gia giao thông với tốc độ tối thiểu 60km/h và tối đa 80km/h, chúng tôi thấy nhiều trường hợp xe ba bánh tự chế chở hàng hóa cồng kềnh vi phạm. 

Bác Nguyễn Văn Thọ, ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), điều khiển xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường vành đai 3 trên cao bị Tổ công tác của Đội CSGT số 6 dừng phương tiện, kiểm tra hành chính. Bác cho biết, bản thân là thương binh, do đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng hay có đông phương tiện nên đã điều khiển phương tiện đi trên đường này. Do cuộc sống mưu sinh, nên thời gian qua, bác đã tìm mua và sử dụng chiếc xe ba bánh tự chế trên để vận chuyển hàng hóa cho người có nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Trần Ngọc Trung, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, thời gian qua, đơn vị đã lập biên bản xử lý nhiều trường hợp xe ba bánh tự chế vi phạm. Đối với các trường hợp giả danh xe ba bánh của thương binh, người tàn tật, đơn vị sẽ lập biên bản, tịch thu phương tiện. Còn với những trường hợp điều khiển xe ba bánh là thương binh, người tàn tật, cán bộ CSGT làm nhiệm vụ sẽ cho ký cam kết, tuyên truyền để người vi phạm không tái diễn vi phạm. 

“Để xe ba bánh tự chế vi phạm không tái diễn trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành, các cấp, trong đó có sự phối hợp trong công tác quản lý, tuyên truyền từ phía các Hội cựu chiến binh, chính quyền các địa phương. Cùng với đó, người điều khiển phương tiện xe ba bánh tự chế nên nhận thức rõ những nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông luôn cận kề”, Thượng úy Trần Ngọc Trung đề xuất.

Về vấn đề này, Đại tá Trần Sơn cũng cho rằng, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng bát nháo xe ba bánh tự chế giả danh xe thương binh, người tàn tật như hiện nay, hơn lúc nào hết, đối với những trường hợp xe ba bánh của người thương binh, người tàn tật, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ, như: Tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh vay vốn chuyển đổi phương tiện kiếm sống thay vì sử dụng xe ba bánh tự chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật; hướng dẫn, hỗ trợ việc đăng ký, thi bằng lái xe ba bánh (nếu vẫn muốn sử dụng xe ba bánh làm phương tiện mưu sinh). 

Trong trường hợp chủ phương tiện xe ba bánh có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề thì tạo điều kiện, giới thiệu họ đến các cơ sở đào tạo nghê, cũng như bố trí công việc cho phù hợp. 

Mặt khác, đối với các trường hợp giả danh xe ba bánh thương binh, người tàn tật, phải xử lý thật nghiêm để tạo tính răn đe; việc xử lý phải thường xuyên thay vì xử lý theo kiểu từng đợt, từng thời điểm. 

Đặc biệt, ngay từ lúc này, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nghiên cứu, mở đợt ra quân xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất xe ba bánh tự chế không đúng quy định, bởi chính những cơ sở này là nguồn tiếp tay cho xe ba bánh tự chế - “nguồn nguy hiểm” lưu thông trên phố như hiện nay.

Trần Huy
.
.
.