Xây dựng và thực hiện tốt văn hóa an toàn hàng không

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:40
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), 70-80% sự cố hàng không liên quan đến yếu tố con người, trong đó việc xây dựng, ban hành quy trình quy định và kiểm tra giám sát, nhận diện nguy cơ tiềm ẩn rủi ro hàng không là khâu cực kỳ quan trọng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Văn hoá An toàn Hàng không 2018 vừa được tổ chức. Một lần nữa khẳng định quan điểm an toàn là yếu tố sống còn trong hoạt động của Tổng Công ty, lãnh đạo Tổng Công ty hàng không Việt Nam cho biết, trong suốt hơn 20 năm thành lập và phát triển, Vietnam Airlines không ngừng nỗ lực xây dựng văn hóa an toàn hàng không với việc xác định đây là một quá trình kiên trì mỗi ngày, kết hợp cùng nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân.

Theo ông Lĩnh, giải pháp để đẩy lùi sai sót, sự cố trong hoạt động khai thác hàng không chính là văn hoá an toàn. Văn hoá an toàn là tổng hoà của 5 yếu tố: văn hoá báo cáo, văn hoá thông báo, văn hoá thích ứng, văn hoá học hỏi và văn hoá đúng (công bằng). Theo đó, bất cứ một sai sót nào, thậm chí là một yếu tố nào có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cũng phải được báo cáo, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục và chia sẻ để rút kinh nghiệm không để tái diễn. 

70-80% sự cố hàng không liên quan đến yếu tố con người.

Cũng theo ông Lĩnh, muốn xây dựng được văn hóa an toàn cần phải thay đổi văn hóa suy nghĩ và nâng cao hiểu biết về an toàn cho tất cả cán bộ, công nhân viên hàng không. Phải tạo điều kiện để khuyến khích họ sẵn sàng báo cáo về lỗi an toàn, giúp họ nhận thức được việc báo cáo là cần thiết, chứ không phải xử phạt khiến họ không dám lên tiếng. 

VNA sẽ đề cao tính trung thực, minh bạch, công bằng, tạo môi trường làm việc, sẽ không áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về các sự cố, sự việc ảnh hưởng tới an toàn, các lỗi do sơ ý. Trong tương lai, với mục tiêu đã đề ra đến năm 2020, nâng cấp văn hóa an toàn của VNA lên mức chủ động (Proactive) trong tất cả các mặt bao gồm: báo cáo an toàn, điều tra an toàn, xử lý các thông tin an toàn, phòng ngừa an toàn.

Đến năm 2025, văn hóa an toàn của VNA đạt mức tiên tiến (Generative) an toàn trở thành giá trị cốt lõi và nền tảng trong văn hóa doanh nghiệp cũng như mọi hoạt động của từng cá nhân của VNA, ông Lĩnh cho hay.

Còn phi công Nguyễn Đăng Quang, Phó trưởng Đoàn bay 919 cho hay, Vietnam Airlines đã xây dựng ra chỉ số nhận diện những nguy cơ tiềm ẩn an toàn hàng không giống như “tảng băng chìm” (năm 2016 xây dựng chỉ số, năm 2018 được nâng lên 71 chỉ số để hạn chế sự cố an toàn hàng không). 

Giải thích rõ hơn, ông Quang đưa ra dẫn chứng, đối với khối phi công, Đoàn bay 919 có tổ giám sát “tảng băng chìm” bằng cách luôn trích dữ liệu máy bay ngay sau khi vừa hạ cánh để xem phi công có thực hiện theo đúng quy trình hay không? Sau khi phân tích, đơn vị sẽ thông báo ngay cho các phi công. 

“Thời gian đầu, phi công cũng tỏ vẻ khó chịu, nhưng khi hiểu ra phi công ngồi ở đầu máy bay không đánh cược mạng sống của mình mà bảo vệ tính mạng của cả các hành khách nên đều tuân thủ, chấp hành đúng quy định”, ông Quang chia sẻ.

Theo góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, năm 2013, Cục Hàng không Việt Nam đã mở cuộc vận động văn hóa hàng không. Đại biểu này cho rằng, cần phải xây dựng một văn hóa để nhân viên dám trung thực, thẳng thắn nói lên những sai sót liên quan đến vấn đề an toàn. 

Dẫn chứng từ vụ kỹ sư Lê Văn Tạch (kỹ sư của Toyota Việt Nam) đã từng tố giác Công ty này bán hàng chục ngàn ôtô mắc lỗi ra thị trường. Sau đó nhờ sự lên tiếng của kỹ sư Lê Văn Tạch, Công ty này phải thu hồi lại tất cả sản phẩm, tránh để người tiêu dùng gặp sự cố khi sử dụng.

Phạm Huyền
.
.
.