Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Việc mua bán 'lốt' là hiểu nhầm

Thứ Năm, 22/10/2015, 09:18
Giải thích thông tin "chạy" một suất xe hoạt động tại bến Mỹ Đình mất 500-600 triệu đồng, cho rằng, đây là việc chuyển nhượng giữa các nhà xe, không phải tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước.

Hà Nội không cấp mới “lốt” xe từ năm 2013

Trước phản ánh của Bộ trưởng Đinh La Thăng về tiêu cực trong cấp “lốt” xe ở bến Mỹ Đình, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, quy trình được niêm yết công khai và từ năm 2013 đến nay không cấp mới. Đại diện phòng quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, quy trình cấp “lốt” xe (cho phép xe chạy tuyến nhất định) trên tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thuộc thẩm quyền của Sở. Đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở hoặc chi nhánh tỉnh, thành nào thì đăng ký cấp nốt xe tại Sở Giao thông tỉnh, thành đó. 

Vị này cũng cho biết thêm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội niêm yết công khai quy trình cấp “lốt” xe tại phòng một cửa của Sở. Doanh nghiệp có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị cấp qua bưu điện hay trực tiếp nộp tại phòng một cửa. Khi nhận được hồ sơ, Sở sẽ có văn bản lấy ý kiến của Sở Giao thông tỉnh bạn (là đầu đến và đi của tuyến). Nếu Sở Giao thông tỉnh bạn thống nhất, Sở sẽ ra công văn chấp thuận và ngược lại các tỉnh bạn cũng vậy.

Phó phòng quản lý vận tải cho biết, theo quy định hiện nay (Thông tư 63 của Bộ Giao thông Vận tải), việc mở tuyến vận tải cố định phải có văn bản chấp thuận của Sở Giao thông nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ. Tuy nhiên, hiện lãnh đạo Bộ đã có ý kiến bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến, chỉ quản lý theo phù hiệu do Sở Giao thông cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Việc cấp “lốt” xe tại bến Mỹ Đình, Phòng quản lý vận tải cũng thông tin, việc quản lý vận tải tại đây đang được thực hiện theo Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020 định hướng đến 2030 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 25/6.

Theo đó, cùng với 2 bến xe Giáp Bát và Lương Yên, bến Mỹ Đình phải giữ ổn định, không tăng tần suất hoạt động của các hãng xe, trừ các dịp lễ Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, việc cấp “lốt” sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh định kỳ nếu các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng.

Theo Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, bến Mỹ Đình hiện có khoảng 220 doanh nghiệp vận tải hoạt động với 1.300 lượt xe chạy trên 148 tuyến đường. Việc mở rộng bến để đáp ứng cho các phương tiện hoạt động vận tải đã có từ trước, mấy năm trở lại đây bến Mỹ Đình không tiếp nhận việc tăng tần suất đối với các hãng xe.

Không thể can thiệp chuyện chuyển nhượng nội bộ của doanh nghiệp

Ngày 20/10, tại cuộc họp giữa Sở GTVT Hà Nội với các bến xe, cùng đại diện của Công an TP Hà Nội, đại diện của Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện cấp chấp thuận, thỏa thuận cho xe vào các bến, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, mọi quy trình đã được thực hiện đảm bảo theo các quy định tại từng thời kỳ.

Báo cáo từ Sở GTVT Hà Nội trong công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: Trong giai đoạn từ tháng 7/2013 đến nay, giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động tại bến xe Mỹ Đình với lượt xe đăng ký là 1.642 lượt xe/ngày. Sở GTVT Hà Nội không chấp thuận, thỏa thuận tăng tần suất tại bến xe Mỹ Đình đối với bất kỳ đơn vị kinh doanh vận tải nào.

Còn liên quan đến một số  ý kiến việc mua bán “lốt”, Sở GTVT cho rằng: Tại một số đơn vị vận tải (chủ yếu là công ty cổ phần, hợp tác xã) đóng góp cổ phần, chuyển nhượng, thay thế phương tiện giữa các cổ đông, các xã viên... dễ gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội về tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động KDVT. Thực tế, một đơn vị vận tải thường có nhiều cổ đông, mỗi cổ đông là một nhà xe. Vì vậy, một đơn vị sẽ có nhiều thương hiệu nhà xe khác nhau.

Việc trong nội bộ đơn vị chuyển nhượng, thay thế xe giữa các cổ đông, xã viên với nhau là việc nội bộ của đơn vị. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và chỉ quản lý theo phương án kinh doanh mà đơn vị vận tải đó đăng ký theo mẫu được quy định tại các thông tư của Bộ GTVT. Ngoài ra, có một số đơn vị vận tải nhỏ lẻ không đảm bảo số lượng phương tiện theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP có xu hướng hợp nhất với nhau cũng sinh ra việc chuyển nhượng mua bán nội bộ (không làm tăng thêm “lốt”).

Về việc phản ánh nhà xe Phú Quý, Nguyên Oanh của Nghệ An tăng xe vào bến xe Mỹ Đình tại thời điểm sau năm 2013, qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định có 4 xe của 2 nhà xe này vào hoạt động tại bến xe Mỹ Đình thông qua hình thức thay xe của các đơn vị vận tải.                                

Đặng Nhật
.
.
.