Bó tay với các doanh nghiệp chây ì giảm giá cước

Thứ Năm, 25/02/2016, 08:38
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm liên tiếp tới 4 lần. Tổng cộng xăng A92 giảm được 2.650 đồng/lít, tỷ lệ giảm khoảng 16%. Dầu diesel cũng đã được điều chỉnh giảm 3 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít với tỷ lệ giảm khoảng 20%. 


Trước đó, trong năm 2015, giá xăng cũng đã có 12 lần giảm giá, trừ đi 6 lần tăng giá, năm ngoái xăng A92 cũng đã giảm được 7.000 đồng/lít. Xăng, dầu giảm giá mạnh, nhưng nhiều DN và những loại hình vận tải chịu tác động mạnh do giá nhiên liệu vẫn đủng đỉnh, thậm chí là chây ì với chuyện giảm giá dịch vụ, hàng hóa trước sự chỉ đạo quyết liệt của ngành tài chính và GTVT.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ đợt giảm giá xăng dầu vào ngày 3-2, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng ôtô kê khai lại giá cước. Sau đó trên địa bàn cũng đã có 30 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trên tổng số 49 doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của thành phố đã kê khai giá cước với mức giảm trung bình 3-5%. Trong số 14 hãng taxi cũng mới chỉ có 9 đơn vị thực hiện kê khai lại giá cước, nhưng chỉ có 3 hãng giảm với mức giảm cao nhất là 4%.

Đến ngày 18-2 vừa qua, khi giá xăng tiếp tục giảm gần 1.000 đồng/lít, Ban Vật giá thuộc Sở Tài chính đã tính toán và đưa ra kết quả là xe chạy dầu tuyến cố định sẽ phải giảm giá cước ở mức 4,8%; còn xe sử dụng xăng, giá cước chung cho 4 lần giảm vào khoảng 4,2%, tương đương 400-600 đồng một km.

Còn hàng trăm DN vận tải thuộc các tỉnh hoạt động trong các bến xe khách của thành phố chưa có động thái giảm cước hoặc kê khai lại giá. 

Từ kết quả này, Sở Tài chính đã tiếp tục có văn bản gửi các hãng taxi yêu cầu cập nhật thêm mức giảm giá cước, chậm nhất là vào ngày 23-2 phải kê thực hiện khai lại giá. Trước sự quyết liệt này, trong ngày 23-2 vừa qua, đại diện 2 hãng taxi lớn của thành phố gồm Mai Linh và Vinasun đã tiên phong lên tiếng về việc giảm giá cước.

Theo đó, hãng Mai Linh dự kiến giảm giá cước vào ngày 26-2 với mức giảm 500 đồng/km với xe 4 chỗ và 600 đồng/km với xe 7 chỗ. Còn taxi Vinasun dự kiến giảm cước ở mức 500 đồng/km trong vài ngày tới.

Nguyên nhân khiến các hãng taxi vẫn lần khân, chậm chạp trong việc giảm giá cước theo giá xăng dầu vẫn giống như trước: đến thời điểm này, ngay cả những hãng taxi lớn trên địa bàn vẫn chưa thể hoàn tất việc tích hợp phần mềm tính cước vào trong hộp đen để có thể nạp phần mềm tính cước mới từ xa qua hệ thống kết nối sim điện thoại của hộp đen. Do đó cứ mỗi lẫn giá xăng tăng, giảm là một lần phải tháo đồng hồ tính cước để điều chỉnh, sau đó phải mang đi kiểm định, kẹp chì và dán niêm phong. 

Chưa tính thời gian mất thu nhập do taxi phải dừng để chờ tháo lắp, kiểm định đồng hồ, với mức chi phí khoảng 130 ngàn đồng/đồng hồ tính cước mỗi lần kiểm định như của Vinasun đã phải bỏ ra, thì với 5-6 ngàn đầu xe, mỗi lần thay đổi cước, hãng này phải bỏ ra tới vài tỷ đồng. Với thực trạng giá xăng tăng giảm liên tục, năm 2015 tăng giảm đến 18 lần, nếu lần nào cũng thực hiện điều chỉnh cước, hãng này sẽ phải bỏ ra cả chục tỷ đồng mỗi năm chỉ để trả phí kiểm định đồng hồ.    

Với xe khách chạy dầu trên các tuyến đường dài tại Bến xe Miền Đông, sau khi đại diện Sở Tài chính quyết liệt xuống làm việc với từng DN vận tải, đến ngày 23-2 đã có 21 DN trong số 28 DN vận tải thuộc thành phố quản lý thực hiện kê khai lại giá vé. 7 DN còn lại cũng đã cam kết hoàn tất kê khai lại giá vé trong ngày 24-2 và đã có một số DN thực hiện giảm cước ở mức 3-5%. 

Tuy nhiên, theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến, còn khoảng 200 DN vận tải thuộc các tỉnh, thành khác quản lý đang tham gia hoạt động trong bến hiện vẫn chưa thấy động tĩnh gì trong việc đăng ký giảm giá cước. Bởi nếu đã đăng ký giảm, các DN đều phải có hồ sơ gửi về bến để giám sát việc bán vé. Mặc dù bến xe có quyền giám sát việc bán vé theo giá đã kê khai, đăng ký của DN vận tải, nhưng bến xe không có quyền yêu cầu DN phải kê khai giá cước, mà việc này thuộc trách nhiệm của các địa phương quản lý DN vận tải. 

Ông Hải cho rằng, chỉ cần buộc DN vận tải phải kê khai lại giá cước, dù có giữ nguyên không tăng hay giảm cũng là hình thức kiểm tra, giám sát tốt về cước vận tải. Các DN muốn giữ nguyên giá cước sẽ phải giải trình hợp lý về chi phí mới có thể được Sở Tài chính các địa phương chấp nhận.

Ông Hải nhìn nhận, theo nguyên lý vận tải, cao nhất phải là giá vé máy bay, sau đó đến vé xe khách rồi mới đến giá vé tàu hỏa và tàu thủy. Nhưng ngược lại, vé xe khách hiện ở top rẻ nhất do chính các DN vận tải cạnh tranh gay gắt với nhau trong việc giảm giá cước trên tuyến. 

Chẳng hạn, từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu với quãng đường 120km, các nhà xe đã áp dụng giá vé trên dưới 85 ngàn đồng/lượt, bình quân giá cước lên tới gần 710 đồng/km/hành khách. Trong khi đó những tuyến đi khu vực miền Trung và phía Bắc dù trạm thu phí dày đặc, thì giá cước cũng chỉ ở mức trên dưới 450 đồng/km/hành khách. 

Lý giải về thực trạng này, theo ông Hải là do tuyến TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, DN vận tải chỉ đơn thuần chở khách nên giá cước cao. Còn các tuyến khác, DN vận tải khách phải khai thác thêm hàng hóa mới có thể trụ được và mới có mức cước rẻ như vậy.

Đ.Thắng
.
.
.