Vi phạm về nồng độ cồn là hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông

Chủ Nhật, 05/05/2019, 00:12
Chỉ trong vòng mấy ngày qua, dư luận đã không khỏi bàng hoàng, sửng sốt trước 2 vụ tai nạn giao thông xảy tại Thủ đô Hà Nội tước đi mạng sống của 3 người phụ nữ. Đó là vụ tài xế “xe điên” tông nữ công nhân quét rác tử vong tại đường Láng tối 22-4 và vụ lái xe ôtô tông vào xe máy khiến 2 người tử vong tại hầm Kim Liên rạng sáng 1-5. Điều đáng lên án ở đây chính là việc các lái xe thừa nhận sử dụng rượu bia trước khi lái xe.


Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng rượu bia vẫn lái xe là một tội ác, cần phải có biện pháp xử lý thích đáng để đủ tạo sức răn đe, đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và người khác. Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tình trạng tài xế sử dụng rượu bia lái xe thời gian gần đây?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Qua theo dõi tình hình TTATGT, chúng tôi nhận thấy tình trạng lái xe sử dụng rượu bia sai quy định khi điều kiển phương tiện tham gia giao thông luôn vẫn diễn biến phức tạp.

Vi phạm về nồng độ cồn cần được xem là hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm việc lái xe ôtô có cồn trong cơ thể, đối với lái xe mô tô, xe gắn máy cũng chỉ ở ngưỡng không quá 50miligam/ 100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/ 1 lít khí thở; song trên thực tế vẫn còn một bộ phận người điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia (biết nhưng cố tình vi phạm, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân và người khác) để điều khiển phương tiện giao thông. Tỷ lệ này còn tăng cao trong các dịp lễ, Tết, buổi tối, chủ yếu là điều khiển phương tiện xe cá nhân và hậu quả là những vụ TNGT hết sức thương tâm.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 26 vụ TNGT liên quan đến người lái xe vi phạm về nồng độ cồn làm chết 22 người, bị thương 47 người, trong đó có những vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, khiến dư luận xã hội bức xúc.

PV: Ông có thể cho biết những con số cụ thể về việc lực lượng CSGT xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn của lái xe từ đầu năm đến nay?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Từ đầu năm 2019 đến nay lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Vừa qua, Cục CSGT đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.

Theo đó, nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2019 của lực lượng CSGT là kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Bên cạnh các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng Công an khác tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm tại các nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng quán ăn... Khi gặp các hành vi chống đối, chúng tôi kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.

PV: Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm nồng độ của lái xe ôtô là 18 triệu đồng và tước GPLX từ 4 tháng đến 6 tháng. Có ý kiến cho rằng, sử dụng rượu bia khi lái xe là tội ác. Vì vậy, nếu đã phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi đang điều khiển xe dù chưa gây tai nạn nhưng cũng cần phải xử lý hình sự hoặc tước GPLX vĩnh viễn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chúng ta đều thấy rất nguy hiểm và nguy cơ cao dẫn đến TNGT đối với người lái xe mà trong cơ thể có cồn. Pháp luật đã quy định việc điều khiển phương tiện giao thông cơ giới là điều khiển “nguồn nguy hiểm cao độ”, cho nên điều kiện bắt buộc là phải có GPLX.

Người lái xe được học và cấp GPLX là phải nhận thức được những quy định cấm và hạn chế của pháp luật đối với nồng độ cồn trong quá trình lái xe của mình. Pháp luật về hình sự hiện hành có quy định về tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời (Khoản 4, Điều 260 – Bộ luật Hình sự 2015).

Tuy nhiên, cũng cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền để nhận thức đầy đủ về khả năng thực tế là khả năng rõ ràng, ai cũng có thể nhìn thấy, với sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đó, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra, chứ không phải là do suy đoán chủ quan hay tưởng tượng.

Việc xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn, theo chúng tôi tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý GPLX cũng cần có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ đối với những lái xe đã có vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là đã gây TNGT.

PV: Ông có thể nói rõ hơn kinh nghiệm của những nước xử phạt người lái xe vi phạm về nồng độ cồn. Mức xử phạt như thế nào so với Việt Nam.

Đại tá Đỗ Thanh Bình: So với Việt Nam thì quy định của pháp luật các nước mà chúng tôi tiếp cận đều cho rằng hành vi vi phạm nồng độ cồn là hành vi nguy hiểm nhất và người ta tập trung lực lượng để phát hiện xử lý. Đối với hành vi này vi phạm đến mức độ nhất định là phải bị xử lý về mặt hình sự, trong có đó những nước hoàn thiện hồ sơ đó để tòa ra quyết định.

Người ta tác động vào ba vấn đề: một là liên quan đến tài chính (phạt tiền), hai là tước có thời hạn GPLX, ba là khi xin cấp lại đều phải quản lý. Văn minh hơn là ở một số nước với trường hợp tái phạm thì sử dụng những thiết bị đặt trên phương tiện đó, khi lên phương tiện phải kiểm tra về nồng độ cồn thì mới khởi động được xe và đi một thời gian là phải kiểm tra lại có chính xác không thì xe mới đi được.

PV: Theo ông, để hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia cần có những biện pháp cụ thể nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trên thực tế Việt Nam là nước có lượng rượu bia tiêu thụ lớn, quyền tiếp cận với rượu bia chúng ta quá dễ so với các nước trên thế giới. Vì vậy để giải quyết căn cơ tình trạng sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và có hệ thống.

Thứ nhất, là phải sớm ban hành được luật liên quan đến tác hại của rượu bia, đồ uống có cồn.

Thứ hai là sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hình phạt, chế tài xử lý vi phạm với vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, đối với vi phạm về nồng độ cồn cần được xem là hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông, phải ngăn chặn ngay từ xa, từ khi chưa xảy ra tai nạn và kết nối giữa hình sự, hành chính và cả xử lý kỷ luật.

Thứ ba là bổ sung các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng trong đó có CSGT, cần quy định về cưỡng chế khi mà lực lượng CSGT phát hiện lái xe có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn như khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn phải được áp dụng biện pháp mạnh đưa về trụ sở Công an nơi gần nhất để kiểm tra định lượng, phương tiện đó phải được tạm giữ và khi nào nồng độ cồn trở về trạng thái không vi phạm thì người đó mới được rời khỏi trụ sở.

Thứ tư là phải có sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng, trong đó chúng tôi cũng đề nghị sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị cùng đồng hành trong phòng, chống vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong sinh hoạt tập thể chúng ta sử dụng rượu bia có văn hóa, đặc biệt là đối với ai điều khiển phương tiện, thì cần phải tuân thủ quy định đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Hương
.
.
.