"Xe máy bật đèn ban ngày”: Giải pháp hay ý tưởng kì cục?

Thứ Tư, 06/01/2016, 09:05
Ý tưởng bật đèn xe máy ban ngày đưa ra trong hội thảo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT) đang tạo dư luận nhiều chiều. Mục đích là nhằm giảm tai nạn giao thông cho người đi môtô, xe máy. Tuy nhiên, phần lớn dư luận chưa đồng tình với đề xuất này và cho rằng, an toàn giao thông phần lớn phụ thuộc vào ý thức người tham gia giao thông.


Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo ATGT cho người đi môtô, xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam” diễn ra trong tháng 12-2015 có nhiều ý kiến của các chuyên gia nước ngoài như Thái Lan, các nước châu Âu, bàn về quy định bật đèn chiếu sáng phía trước đối với xe máy. 

Hiện quy định này được áp dụng ở nhiều nước Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở một số nước, áp dụng quy định này được ghi nhận là có góp phần giảm tai nạn giao thông ở mức 10% trở lên. 

Nhiều người cho rằng bật đèn xe máy ban ngày không phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Bàn về ý tưởng này, nhiều người dân tỏ ra không đồng tình. Anh Trần Văn Huy ở phố Thụy Khê, phường Bưởi, quận Tây Hồ liên hệ với tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội: “Đường phố Hà Nội luôn có lưu lượng ôtô, xe máy lưu thông lớn. Tình trạng tắc đường, kẹt xe luôn diễn ra vào giờ cao điểm. Các điểm nóng về tắc đường luôn được nhắc tới là đường vành đai 3, các cửa ngõ ra vào Thủ đô, các tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn, Cầu Giấy – Xuân Thủy, Lương Thế Vinh… Hàng nghìn chiếc ôtô, xe máy dồn ứ, tập trung vào một khu vực. Thử hỏi khi đó, nếu đặt tình huống cả nghìn chiếc xe cùng lúc bật đèn giữa trời nắng nóng thì nhiệt độ mặt đường sẽ tăng thêm là bao nhiêu? Tôi chắc người tham gia giao thông đã bức xúc sẽ càng bức xúc hơn”.

Cùng quan điểm với anh Huy, chị Phạm Thanh Trà ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Tôi thấy đèn chiếu sáng xe máy của những chiếc xe đời mới thường rọi thẳng vào mắt người đi đường. Vào buổi tối hay lúc nhập nhoạng thì phải có đèn chiếu sáng để người đi đường nhận biết, nhưng vào những ngày nắng mà có thêm ánh sáng đèn thì người đối diện sẽ vô cùng khó chịu. Với lại, không biết với thiết kế đèn xe như hiện nay, đèn xe có chịu được công suất sử dụng liên tục nếu lưu thông cả ngày trên đường không?”.

Trên mạng xã hội, nhiều thành viên bày tỏ sự e ngại trước ý tưởng bắt buộc bật đèn xe máy vào ban ngày. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia ví rằng, việc bật đèn xe máy ban ngày cũng sẽ như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng hai việc trên không giống nhau. Chúng ta cần phải cân nhắc khi đưa quy định này áp dụng vào thực tế. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có trên 35 triệu xe máy, tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Riêng Hà Nội có hơn 5 triệu mô tô. 

Qua kết quả điều tra của cơ quan chức năng, những vụ tai nạn phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông. Có rất nhiều vụ tai nạn mà người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ gây ra. Thực tế trên các tuyến phố ở Hà Nội, khi thấy vắng bóng Cảnh sát giao thông, người điều khiển phương tiện dễ vượt đèn đỏ và vi phạm các quy định khác...

Thượng tá Lê Đức Đoàn, Công an TP Hà Nội, người đã có nhiều năm học tập và tìm hiểu kinh nghiệm về an toàn giao thông ở nước ngoài cho rằng, tai nạn giao thông phần lớn là do ý thức và trình độ lái xe của người tham gia giao thông.

“Ở các nước có khí hậu khác Việt Nam, trời âm u, nhiều sương mù thì việc bật đèn xe vào ban ngày là cần thiết. Còn nước ta là vùng nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa rõ ràng, và đều có ánh nắng, thậm chí có ánh nắng chói chang. Theo tôi, việc giảm tai nạn hay không là do ý thức văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông và trình độ tay lái”, Thượng tá Đoàn nhận xét. 

Đã nhiều lần, các cơ quan chức năng đưa ra các quy định không mang tính khả thi, tạo dư luận không tốt và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trước phản ứng của dư luận chưa đồng thuận về việc bật đèn xe máy vào ban ngày, Ủy ban ATGT quốc gia và các cơ quan chức năng cần cân nhắc và xem xét kỹ trước khi có quyết định chính thức.

Minh Phương
.
.
.