Ngăn ngừa nhồi nhét, “chặt chém” hành khách dịp Tết Dương lịch:

Vào bến mua vé để bảo vệ quyền lợi của mình

Thứ Hai, 21/12/2015, 08:16
Nhằm ngăn chặn tình trạng “nhồi nhét”, “chặt chém” hành khách của các nhà xe, Bến xe phía Nam tăng cường nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ hướng dẫn hành khách vào bến mua vé để bảo vệ quyền lợi của mình...


Năm nay, người dân được nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày. Theo quy luật, nhu cầu sử dụng xe khách để về quê, đi du lịch của người dân sẽ tăng đột biến. Nhằm ngăn ngừa các vi phạm trong vận chuyển hành khách, một số bến xe trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, trong đó có việc tạo thói quen vào bến mua vé cho hành khách.

Có mặt tại Bến xe phía Nam (Hà Nội), không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên bảo vệ đeo băng đỏ làm nhiệm vụ tại các lối ra - vào khu vực xe khách dừng, đỗ đón khách. Tại lối cổng ra - vào số 1, hàng chục hành khách vốn có thói quen đi thẳng vào khu vực nhà xe đang đỗ để bắt xe nhanh chóng bị nhân viên bảo vệ chặn lại khi không xuất trình được vé lên xe khách. 

Bác Nguyễn Hùng, quê ở Nam Định, tay xách bao tải, dù bị nhân viên bảo vệ không cho đi vào bên trong bến vẫn cảm thấy vui vì cách làm này. Theo bác Hùng, trước đây, bác cũng như nhiều hành khách cứ đi thẳng vào bên trong khu vực các nhà xe dừng, đón khách. Tại đây, do không biết xe nào chạy tuyến nào, mấy giờ xe xuất bến, nên bản thân bác và nhiều hành khách khác phải mất không ít thời gian để hỏi, để lên đúng xe mà mình đang có nhu cầu sử dụng. Giờ đây, việc nhân viên bảo vệ hướng dẫn hành khách mua vé xe trước khi lên xe đã góp phần nâng cao ý thức cho hành khách, giúp quyền lợi của hành khách được bảo đảm.

Tại các lối ra vào còn lại của bến xe vào thời điểm chúng tôi ghi nhận cũng đều có sự xuất hiện của các Tổ bảo vệ làm nhiệm vụ hướng dẫn, ngăn không cho hành khách khi chưa mua vé xe vào sâu trong khu vực các nhà xe đang đợi đến giờ xuất bến. Để phục vụ công tác tuyên truyền, tại các lối ra – vào này luôn có tấm biển ghi rõ nội dung: “Đề nghị quý khách xuất trình vé khi qua cửa”. 

Hành khách cần vào bến mua vé trước khi lên xe để bảo vệ quyền lợi của mình.

Quan sát tại đây khoảng 15 phút, chúng tôi thấy có gần 30 hành khách được các nhân viên bảo vệ nhắc nhở, hướng dẫn mua vé. Thống kê của Bến xe phía Nam, hằng ngày, bình quân số lượt xe ra vào bến là 950 lượt, đáp ứng nhu cầu cho 1,3 vạn hành khách.

Trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, dự kiến khoảng 1.050 lượt xe/ngày, với số hành khách 2,5-3 vạn. Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Thái Bình, Hà Nội – Nam Định và Hà Nội – Ninh Bình là những tuyến vận tải tập trung đông hành khách hơn cả. 

Nhằm ngăn chặn tình trạng “nhồi nhét”, “chặt chém” hành khách của các nhà xe, theo ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Bến xe phía Nam, ngay từ đầu tháng 12-2015, bến xe đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp vận tải bố trí tăng lượt xe tham gia vận tải hành khách trong dịp Tết Dương lịch 2016. Đồng thời tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của bến xe, không chở quá tải, không ép khách và không tự ý nâng giá vé sai quy định. 

Bên cạnh đó, bến xe còn tăng cường nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ tạo thói quen vào bến mua vé cho hành khách. Kết quả, kể từ sau thời điểm triển khai, số lượng hành khách mua vé tại bến đã tăng từ 10-20%. Cũng theo ông Nguyễn Tất Thành, tính đến thời điểm hiện tại, trong dịp Tết Dương lịch năm nay, chưa có nhà xe nào tăng giá vé.

Tại Bến xe Lương Yên, nơi tập trung đông các tuyến xe: Hà Nội – Quảng Ninh,   Hà Nội – Thái Bình, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Bắc Giang v.v... theo tìm hiểu của chúng tôi, thói quen hành khách bắt xe dọc đường, không vào bến mua vé trước khi lên xe khách cũng đã có chuyển biến đáng kể. Ngay tại lối ra vào bến, 3 nhân viên bảo vệ luôn túc trực ở đây. Khi hành khách tới, số nhân viên này đều hướng dẫn đến khu vực bán vé. Loa phóng thanh của bến xe liên tục phát ra những thông tin nhắc nhở hành khách cần vào bến mua vé để đảm bảo quyền lợi của mình v.v...

Trong những dịp nghỉ lễ, Tết trước đây, do nhu cầu sử dụng xe khách của người dân tăng đột biến, một số nhà xe đã bất chấp các quy định tự ý nâng giá vé, “nhồi nhét” khách. Nhiều hành khách bị “chặt chém”, song vì trước đó không vào bến mua vé nên cũng đành phải… ngậm “bồ hòn”. 

Ông Nguyễn Tất Thành cho hay, việc vào bến mua vé, sử dụng xe khách chính là nhằm bảo vệ quyền lợi của hành khách. Trong suốt quá trình lưu thông, nhà xe muốn thu thêm tiền, “bán” sang xe khác… cũng không được. Chưa hết, việc sở hữu một tấm vé xe, trong trường hợp xảy ra sự vụ không mong muốn (va chạm, tai nạn…), bản thân hành khách sẽ được bảo hiểm.

Trần Huy
.
.
.