Chợ dân sinh bám quốc lộ:

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Thứ Sáu, 19/06/2020, 07:19
Thời gian vừa qua đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến chợ dân sinh bám quốc lộ. Gần nhất là vụ vừa xảy ra tại xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Trước đó là vụ xảy ra tại Kim Thành (Hải Dương). Một số chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân chính một phần là do bất cập và chồng chéo giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị.


Cho đến thời điểm này, dư âm về vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người chết, 5 người bị thương ở Đắk Nông vẫn khiến nhiều người dân cảm thấy rùng mình.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nếu như vụ TNGT xảy ra nơi thông thoáng thì sự rủi ro đã hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, tâm lý bám mặt tiền để buôn bán kinh doanh đã để lại hậu quả đáng tiếc. "Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục có văn bản rút ra bài học từ vụ TNGT để nhắc nhở các lực lượng cần thường xuyên tuần tra, xử lý. Tỉnh sẽ tổ chức đặt camera để phạt nguội, xử lý triệt để, không thể cứ lấy lý do nghèo khó, tràn ra đường buôn bán" - ông Tùng nhấn mạnh.

Bài học về việc họp chợ ven đường vẫn còn đó, thế nhưng, đâu đó trên các tuyến đường trên cả nước vẫn còn tình trạng chiếm lòng lề đường để buôn bán vẫn như chưa hề có chuyện xảy ra. Thông tin phản ánh từ bạn đọc cho biết, chợ Đạt Lý trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Nhiều người đã ung dung bày hàng hóa, lấn chiếm khoảng 5m lòng quốc lộ để bán hàng.

Cùng với đó, hàng chục chiếc xe máy của người đi chợ dựng ngay dưới lòng đường. Trên vỉa hè, hàng chục quầy sạp được kê sát lòng đường, vô tư buôn bán. Tình trạng này cũng diễn ra ở một vài nơi khác. Hay tại Hà Nội, dọc đường Giải Phóng-Ngọc Hồi tình trạng người dân vô tư mang xe tải ra đỗ ven đường bán hoa quả, mặc nguy cơ mất ATGT thường trực…

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng kiểm tra hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở xã Đắk Rla, huyện Đắk (tỉnh Đắk Nông).

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia để kiểm soát và giảm mất ATGT trên các tuyến quốc lộ, trước mắt Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tiếp tục rà soát đánh giá tình hình trật tự ATGT có liên quan đến kết cấu hạ tầng dọc các tuyến giao thông trọng điểm để có có những giải pháp thực hiện cấp bách.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT) cho hay, chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề này và cần phải dẹp các chợ dân sinh bám các quốc lộ, cần phải có quy hoạch rõ ràng đâu là chợ, đâu là thương mại dịch vụ và đâu là nhà ở dân sinh. Hiện chính quyền địa phương đang buông lỏng vấn đề này, đây là nguồn gốc gây mất ATGT.

Do đó, không thể hô hào chung chung theo chỉ đạo, theo chuyên đề mà phải làm thường xuyên và siết chặt không để các chợ đường cái lấn chiếm mặt đường gây ách tắc giao thông như hiện nay. TS Thủy nhấn mạnh, các nước tiên tiến họ quy hoạch rõ ràng khu dân cư là phải có chợ và tất cả hàng hóa phải được bán trong chợ hoặc siêu thị. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, cùng với việc người dân đang tự do kinh doanh và tư do mua bán với thói quen của người dân là tiện mua bán, không vào chợ và siêu thị nên đã hình thành nên các chợ tạm, chợ cóc.

Tại Hà Nội, nhiều chợ được quy hoạch như: Chợ Cửa Nam, Chợ Hàng Da... đều không thu hút được người dân vào chợ. “Chợ ngay mặt đường, các xe tải trọng lớn đi lại thường xuyên thì luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Do đó, cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn để lập lại trật tự, chứ không thả nổi như hiện nay”, ông Thủy cho hay.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, trong các dự án hiện nay để có tiền thu hồi đất chỉ là thu hồi lòng đường và lề đường chứ chưa có tiền để thu hồi hành lang bảo vệ đường. Nên đó vẫn là đất của dân thì ta vẫn có quyền thực hiện các hoạt động tại đó. Nếu chính quyền địa phương quản lý không chặt thì người dân xây dựng và sẽ biến thành khu đô thị, khi đủ điều kiện thì lại phải cắm biển khu đông dân cư với các biển cảnh báo giảm tốc độ, đảm bảo ATGT...

Một thực tế phổ biến hiện nay là mởđườngđến đâu thì khu dân cư mọc ra đến đó nhưng chính quyền địa phương lại không có các quy hoạch về chợ, khu vui chơi và các hoạt động văn hoá xã hội của địa phương. Vì từ nhiều năm nay khi mở đường thì mới có quy hoạch thật còn trước đó chỉ là các quy hoạch treo.

Khi hạ tầng giao thông được xây dựng mới, thúc đẩy KTXH địa phương và quy hoạch mới trở nên sống động và tự điều chỉnh. Đồng thời sự sẽ hình thành các chợ và có thể nghiễm nhiên được hợp thức hoá thành các chợ và chính quyền địa phương lại điều chỉnh nó thành chợ, thành trung tâm thương mại. Đây là trách nhiệm rất quan trọng của chính quyền địa phương và cũng chính là sự linh hoat hoá về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

Cùng đó, việc hiểu đúng về quy hoạch tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, giải pháp trước mắt khi đã có chợ thì phải cắm biển khu đông dân cư và phải hạn chế tốc độ hơn nữa so với các khu đô thị. Chính quyền phải đưara các giải phải cấp bách là bố trí lực lượng chức năng điều tiết giao thông khi họp chợ, có chỗ đỗ xe cho người dân đến chợ... Đồng thời tăng cường tuyên truyền và xử phạt thật nặng những trường hợp cố tình vi phạm để đảm bảo ATGT.

Đặng Nhật
.
.
.