Vẫn 'nóng' các dự án đường sắt, sửa chữa đường băng

Thứ Bảy, 04/04/2015, 07:30
* Chính thức sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất vào ngày 10/4.
Chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2015.

Tại đây, nhiều vấn đề “nóng” của ngành giao thông như tiến độ của các dự án đường sắt, việc nhà tài trợ “đòi” hoàn vốn vì dự án chậm triển khai, hay như việc sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất có làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không và việc đi lại của người dân hay không… đã được Bộ GTVT thẳng thắn thông tin.

Liên quan đến vấn đề có hay không chuyện Nhật Bản họp báo đòi hoàn lại số tiền đã cho Việt Nam vay để triển khai dự án đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết,  mới đây tại cuộc họp báo của JICA,  liên quan đến vụ Công ty Tư vấn giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) dùng 80 triệu yên hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam tại dự án Yên Viên - Ngọc Hồi, ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, trong phiên xét xử tại Nhật Bản, phía JTC đã thừa nhận hành động hối lộ trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội số 1.

"Như vậy hợp đồng tư vấn giữa JTC với Ban quản lý các dự án đường sắt đã không tuân thủ qui định đấu thầu của JICA. Chiểu theo “Điều kiện chung của vốn vay ODA Nhật Bản”, JICA đề nghị phía Việt Nam hoàn trả toàn bộ số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn này. Về vấn đề này, tại Việt Nam, Công an đã vào cuộc điều tra xử lý và chưa kết thúc, chúng ta vẫn tiếp tục chờ kết quả.

Thứ trưởng Trường cho biết thêm, gói tư vấn của dự án này (Dự án đường sắt Yên Viên-Ngọc Hồi), khi thực hiện chúng ta làm bằng ODA Nhật Bản. Dự án này mới chỉ đấu thầu tư vấn thiết kế và chưa nghiệm thu. Trong quá trình đó, nhà tài trợ đã chi tiền ra ứng trước cho nhà thầu. Nhưng hiện dự án đang tạm dừng, nhà tài trợ yêu cầu phải hoàn tiền thiết kế, khi nào dự án tiếp tục thì họ phải tiếp tục cho vay. Số tiền là bao nhiêu thì Bộ GTVT đang giao Ban QLDA đường sắt tiếp tục rà soát lại hợp đồng. Số tiền nào nằm trong viện trợ không hoàn lại thì thôi, tiền nằm trong vốn vay thì mới phải hoàn lại. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Cố gắng tối đa để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân”.

Cũng liên quan đến tiến độ dự án đường sắt, Thứ trưởng khẳng định, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016. Tính đến thời điểm này, dự án đã phải điều chỉnh từ 525 triệu USD lên thành 757 triệu USD, và so với hợp đồng ký kết, dự án này chậm gần 2 năm. 

Thực tế dự án có rất nhiều khó khăn từ năng lực nhà thầu, cách điều hành của Ban quản lý dự án, Bộ đang từng bước khắc phục xử lý. Cụ thể, yêu cầu tổng thầu đảm bảo nhân sự đầy đủ theo hợp đồng. Phía Trung Quốc đồng tình quan điểm này và sẽ tăng cường nhân lực, trang thiết bị và giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ. Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu đáp ứng khối lượng, đến ngày 31/12/2015 phải hoàn thành cơ bản. Trước mắt, trong tháng 4 này, tổng thầu phải chuyển đủ số tiền đang còn nợ cho các nhà thầu. 

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì cùng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt nam, các hãng hàng không… tính toán cụ thể sao cho việc sửa chữa, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất không ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác của các hãng hàng không, đồng thời đảm bảo an toàn khai thác, an toàn thi công, đảm bảo an ninh trật tự.

Cụ thể, ACV cần triển khai dự án từ 10/4, tính toán xem đóng một đường từ 10/5, đồng thời kết thúc việc sửa chữa vào 30/6. Trước sự lo ngại của các hãng hàng không, cũng như người dân, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong năm nay, hãng hàng không sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều tàu bay mới. Nhu cầu về sân đỗ là rất lớn. Dự án sửa chữa này là cần thiết và cấp bách. Bộ trưởng quyết định dự án vẫn khởi công từ 10/4, kéo dài 10 tháng. 

Phạt 2 nhân viên của Vietjet vì vi phạm hành chính đối với hành khách khuyết tật

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký công văn yêu cầu Công ty cổ phần Hàng không Vietjet báo cáo sự việc hành khách Nguyễn Thị Vân bị hãng từ chối vận chuyển khi đi từ Đà Nẵng về Hà Nội theo vé khứ hồi. Chị Nguyễn Thị Vân là người khuyết tật và đã phải chờ đợi 6 tiếng tại sân bay Đà Nẵng, sau đó phải mua vé của hãng khác để bay về Hà Nội lúc 22h cùng ngày. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra công tác phục vụ hành khách là người khuyết tật của các đơn vị trong ngành báo cáo Bộ trước ngày 9/4/2015. Báo cáo phải nêu rõ những tồn tại, hạn chế (nếu có) và đề xuất phương án xử lý.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin hành khách Nguyễn Thị Vân (bị liệt hai chân) bị hãng hàng không Vietjet từ chối vận chuyển khi làm thủ tục bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội theo vé khứ hồi, Cục đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Trung đã nhanh chóng kiểm tra sự việc. Cảng vụ miền Trung sau đó đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 2 nhân viên Lê Vũ Nhiệm và Lê Nguyễn Minh Tuyết của Vietjet theo điểm a, khoản 3, điều 15 của Nghị định 147/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng và áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm m, khoản 1, điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính do vi phạm đối với người khuyết tật, mức phạt tối đa là 5 triệu đồng. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu xử lý nghiêm đối với Trưởng đại diện và Phó trưởng đại diện của Hãng tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Yêu cầu hãng có hình thức công khai xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Vân. (PV)

Thanh Huyền
.
.
.