Trốn nộp phạt, nhiều người bỏ phương tiện, giấy tờ xe

Thứ Bảy, 11/05/2019, 07:09
Ngày 9-5, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đang giữ hàng trăm bộ giấy phép lái xe, đăng ký xe và nhiều phương tiện đã quá hạn mà người vi phạm không đến nộp phạt để nhận lại tài sản.


Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 300 ca tuần tra, kiểm soát phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hơn 3 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá trọng tải, đi sai làn đường...; tạm giữ hơn 500 phương tiện, gần 3 nghìn bộ giấy tờ xe, trong đó, có hàng trăm phương tiện, giấy phép lái xe đã quá hạn, lực lượng chức năng đang làm các thủ tục thanh lý.

Theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, đối với các cá nhân vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lực lượng chức năng có quyền tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký xe hoặc phương tiện tham gia giao thông cho đến khi người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt.

Nhiều phương tiện xe máy bị hư hỏng do chủ nhân không đến nhận.

Quy định là vậy, song, thực tế đã có rất nhiều trường hợp không đến cơ quan chức năng thực hiện nghĩa vụ nộp phạt, dẫn đến tình trạng tồn đọng giấy phép lái xe và phương tiện giao thông ở các đơn vị CSGT trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, tại Đội CSGT của Công an huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang lưu trữ hàng nghìn bộ hồ sơ được phân chia theo từng năm xếp đầy trên các kệ, tủ.

Có những hồ sơ từ năm 2015 đến nay người vi phạm giao thông vẫn không đến giải quyết. Hiện, Đội CSGT Công an huyện Sông Lô đang tạm giữ hơn 200 xe môtô, gần 2 nghìn bộ giấy tờ xe các loại, trong đó, có 97 xe môtô và gần 300 bằng lái xe, đăng ký xe đã quá hạn mà người vi phạm giao thông không đến nộp phạt, nhận lại tài sản.

Cũng theo Phòng CSGT Công an tỉnh, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 12 tháng. Quá thời gian trên mà người vi phạm không đến làm việc, cơ quan Công an  tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai danh sách các phương tiện tại trụ sở.

Trong thời gian 30 ngày, người vi phạm vẫn không đến nhận phương tiện, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, rất ít trường hợp quay lại lấy phương tiện, giấy tờ xe. Số phương tiện vi phạm giao thông quá hạn chưa có người đến nhận không chỉ gây lãng phí mà còn khiến quỹ đất, diện tích bãi trông giữ xe của các đơn vị chức năng ngày càng quá tải.

Tại nơi giữ xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ của Phòng CSGT Công an tỉnh, nhiều xe máy các loại nằm ngổn ngang trong nhà, ngoài sân. Do thời gian lưu tại bãi đã lâu nên hầu hết các loại xe này bị hư hỏng nặng, hoen rỉ…

Có nhiều nguyên nhân khiến người vi phạm Luật Giao thông đường bộ không đến lấy giấy tờ và phương tiện, trong đó, chủ yếu là do nhận thức của người dân về lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, số tiền xử phạt lớn hơn giá trị phương tiện thu giữ, nên họ sẵn sàng bỏ tài sản. Cũng có nhiều trường hợp, người vi phạm không đủ giấy tờ hợp lệ để lấy xe, với những trường hợp này, CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân hoàn thiện giấy tờ, đến lấy phương tiện trong thời gian sớm nhất.

Để hạn chế tình trạng người vi phạm bỏ lại phương tiện, giấy phép lái xe để trốn nộp phạt, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp tích cực phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh… gửi thông báo những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị thu giữ hoặc tước giấy phép lái xe để không cấp lại; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để người vi phạm đến lấy phương tiện được thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

M.Hiền - T.Hằng
.
.
.