Tính thêm nhiều giải pháp chống ùn tắc dài hơi

Thứ Tư, 11/03/2020, 10:08
Không chỉ đẩy nhanh việc hoàn thiện các công trình trọng điểm, mới đây lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất mở bến xe sau 0h, giảm tải lưu lượng xe lưu thông ban ngày, nhằm tránh tình trạng ùn tắc xảy ra.

Khép kín đường Vành đai 3, xóa cảnh ùn tắc cửa ngõ Thủ đô

Ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, dự án xây dựng đường trên cao (cầu cạn) đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh khu vực phía Bắc. 

Sau gần 2 năm thi công, công trình trọng điểm có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vối đối ứng trong nước) đang chạy nước rút để cán đích vào cuối năm nay. 

Hà Nội hiện còn 33 điểm đen dễ xảy ra ùn tắc.

Thông tin từ Ban QLDA Thăng Long cho biết, tiến độ thi công hai gói thầu xây lắp của dự án đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các hạng mục trên công trường hiện không còn vướng mắc về mặt kỹ thuật, nhà thầu chỉ tập trung thi công để đảm bảo tiến độ dự án kết thúc vào cuối tháng 8/2020, sau đó tổ chức giao thông và thông xe, đưa vào khai thác trong tháng 10/2020. 

Tương tự, gói thầu số 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long, liên danh nhà thầu Tokyu - Taisei đã hoàn thành toàn bộ công tác thi công hạng mục cọc khoan nhồi, bệ trụ, thân trụ và đang tiến hành lao lắp dầm, thi công bản mặt cầu, gờ chắn, lan can. Sản lượng thi công của gói thầu số 2 đến nay đạt 742 tỷ đồng, Liên danh nhà thầu đã có kế hoạch đẩy nhanh thi công để lấy lại tiến độ vào cuối tháng 4/2020, đảm bảo hoàn thành theo đúng hợp đồng vào tháng 9/2020.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sau khi hoàn thành, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường vành đai hiện đại, giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn... Đồng thời, tuyến Vành đai 3 trên cao còn kết nối trung tâm thành phố đến sân bay Nội Bài và khu vực lân cận. 

Đánh giá tiến độ của dự án hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, theo ông Đông: “Gói thầu số 2 hiện nay đang chậm, các nhà thầu phải rà soát và tính toán cụ thể để lấy lại tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình trong tháng 9/2020”.

Cân nhắc đề xuất mở bến xe sau 0h

Bên cạnh việc đẩy nhanh các công trình, Hà Nội đang nghiên cứu mở thêm các tuyến xe khách chạy ban đêm với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc, tối đa hoá hiệu quả khai thác các bến xe. 

Việc bổ sung các tuyến xe khách chạy ban đêm nhằm đạt ba mục tiêu: Giảm ùn tắc, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông của thành phố vào các khung giờ ban ngày; Khai thác hiệu quả công suất hoạt động của các bến xe và cuối cùng là tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách.

Để thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động rà soát lại quy hoạch luồng tuyến, từ đó đưa ra danh mục tuyến nhằm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động. 

Cùng với công khai danh mục luồng tuyến, thành phố sẽ nghiên cứu, cho phép các tuyến chạy đêm được đi vào các đoạn, tuyến đường ngắn nhất nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách và giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải. 

Ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội) cho biết, hiện mới có 105 tuyến xe hoạt động từ sau 20h tại các bến xe do công ty quản lý. Trong đó, Bến xe Giáp Bát có 12 chuyến, Bến xe Mỹ Đình có 70 chuyến, Bến xe Gia Lâm có 23 chuyến... Nếu thành phố thống nhất bổ sung vào quy hoạch luồng tuyến, đơn vị sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chủ trương này một cách hiệu quả nhất”, ông Hoàng khẳng định.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ đơn vị làm vận tải, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - lại không đồng tình với đề xuất này. 

Theo ông Liên, tại các bến xe của Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường lập trung vào các đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng” nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đã giảm hẳn. Có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch. 

Cùng đó, việc quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải tại Quyết định 2288 đã ấn định tần suất của 2 đầu bến. Việc kéo dài “đóng bến” sau 24h sẽ đảo lộn quy hoạch, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông…

Mới đây liên ngành GTVT và Công an TP Hà Nội có biên bản thống nhất để có giải pháp khắc phục 10 điểm ùn tắc giao thông mới phát sinh. 

Cụ thể, 10 điểm ùn tắc mới bao gồm: Nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khang, cầu 361, Ngã Tư Sở, Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao đoạn thuộc địa phận quận Thanh Xuân. 

Trước đó, theo thống kê, trong năm 2019, thành phố đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc giao thông. Với việc phát sinh 10 điểm ùn tắc mới, tổng số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố lại là 33 điểm.

Đặng Nhật
.
.
.