Thuê người gác tàu để giảm tai nạn giao thông đường sắt

Chủ Nhật, 13/12/2015, 06:41
TNGT đường sắt là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân ở tỉnh Hà Nam. Ban ATGT tỉnh Hà Nam đã tự bỏ kinh phí thuê 10 người gác tại các chốt giao cắt đường bộ - đường sắt thường xuyên xảy ra TNGT.

Đường sắt Bắc – Nam trên QL1A, đoạn qua tỉnh Hà Nam thường xảy ra TNGT, thậm chí, trong một ngày trên địa bàn xảy ra 3 vụ tai nạn liên tiếp tại các điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh và đường sắt Bắc Nam làm 4 người thiệt mạng. 

Theo Ban ATGT tỉnh Hà Nam thì sở dĩ TNGT đường sắt xảy ra là do người dân tự ý mở các lối đi và đường ngang trái phép. Khi qua đường không chú ý quan sát, thậm chí có phương tiện đi qua, người dân la hét ra cảnh báo nhưng chủ phương tiện vẫn không chú ý và kết quả là va vào tàu. Chính vì vậy, 10 người được lựa chọn làm công việc gác tàu ở những cung đường nguy hiểm là giải pháp số 1 nhằm kéo giảm TNGT đường sắt ở đây.

Ngoài việc gác tàu, chị Ngọc (áo trắng) còn đẩy xe giúp người dân qua đường khi tàu đến.

Ngày nào cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, ông Nguyễn Văn Uông cũng đến trực tại điểm chốt chắn tại km54+670, TP Phủ Lý. Ở vào tuổi không còn trẻ nữa, nhưng ông Uông vẫn tình nguyện làm công việc trực chốt ở đường ngang này một cách cần mẫn. Ông cho biết: “Khu vực này thường xảy ra tai nạn, chứng kiến cảnh đó tôi không khỏi đau lòng. Thực sự tôi làm việc này cũng chỉ muốn giúp mọi người tránh được nguy hiểm, không muốn thấy tai nạn hay ai thiệt mạng nữa”.

Dù thù lao cả tháng chỉ có 1,5 triệu đồng, nhưng 2 năm nay ông Uông gắn bó với công việc gác chắn tàu một cách rất nghiêm túc. Gọi là chốt cho oai chứ nó giống như cái chòi nhỏ được làm bằng tôn. Chòi thấp lè tè, không có điện, nước, không quạt. Khỏi phải nói mùa hè thì nóng thế nào, còn mùa đông, bốn bề gió thổi lạnh thấu xương. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, ông Uông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ông nói với chúng tôi đầy vẻ tự hào: “Từ ngày có gác chắn, tai nạn đường sắt ở đây hầu như không còn”.

Cũng giống ông Uông, một tháng 30 ngày, chị Nguyễn Thị Ngọc, trú tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý làm việc ở chốt gác đường ngang giao cắt giữa QL1A với đường vào cầu Đen, phường Quang Trung. Công việc của chị Ngọc là khi tàu chuẩn bị đến, chị ra đứng cảnh giới. Ngoài việc cảnh giới, chị Ngọc còn giúp đỡ mọi người chở đồ cồng kềnh qua đây. Chị cho biết, làm ở đây hơn 2 năm, chị gặp vô số cảnh người dân chủ quan, coi thường tính mạng. Khi tàu chuẩn bị tới, nhiều người còn cố vượt, khiến chị phải chạy ra lôi xe họ lại, thậm chí còn phải cầm cả viên đá đập vào đầu xe để tài xế dừng. Có tài xế cứ cố xông qua đường tàu mặc dù người dân la hét kêu “tàu đã đến”. Chị cho biết, ý thức chủ quan của người dân vẫn rất lớn, thế nên công việc “cảnh giới” ở khu vực này là cực kỳ quan trọng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 39,45km đường sắt, trong đó đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 31,25km có 38 đường ngang hợp pháp thì đã có 17 đường ngang có người gác, 10 đường ngang cảnh báo tự động, 11 đường ngang cảnh báo bằng biển báo. Đường sắt chuyên dùng Phủ Lý – Kiện Khê – Bút Sơn dài 8,2km có 11 đường ngang hợp pháp, thì cũng đã có 8 đường ngang có gác chắn. Ngoài những đường ngang có người gác do ngành Đường sắt tổ chức phòng vệ, hoặc ngành Đường sắt ký hợp đồng phòng vệ với doanh nghiệp, thì Ban ATGT tỉnh Hà Nam đã bỏ tiền thuê 10 người gác chắn tại 10 điểm (TP Phủ Lý 4 điểm, Duy Tiên 1 điểm, Thanh Liêm 2 điểm, Bình Lục 3 điểm). Tuy nhiên, theo ông Bùi Đức Tĩnh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam thì lo ngại nhất vẫn là 179 lối đi dân sinh trên địa bàn, về lâu dài cần xây dựng thành đường gom để đảm bảo ATGT.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây ở những đường ngang không có gác chắn liên tục xảy ra tai nạn. Phần lớn những điểm giao cắt các đường ngang dân sinh với đường sắt, các cơ quan chức năng đã bố trí đèn tín hiệu, tại những điểm giao thông chính còn cả rào chắn đường. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa có đèn tín hiệu và phần lớn các giao điểm không có rào chắn nhưng từ khi Ban ATGT thuê người gác chắn thì tai nạn đã giảm rất mạnh. Tuy nhiên, muốn kéo giảm TNGT thì Hà Nam cần thiết phải rào chắn và xóa gần 200 lối đi dân sinh.

Trần Hằng
.
.
.