Yêu cầu Bình Phước điều chỉnh mức thu phí tại các dự án BOT

Thứ Hai, 22/07/2019, 20:54
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước báo cáo hiện trạng các trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh này, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương rà soát việc thực hiện điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 3291/2019 và số 4139/2018. Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước báo cáo hiện trạng các trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh này, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước, hiện đơn vị này có năm dự án BOT, trong đó có bốn dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng trên các tuyến đường hiện hữu do địa phương quản lý và một dự án BOT quốc lộ 14 (đoạn từ cầu 38 đến thành phố Đồng Xoài) do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Tổng cộng có 7 trạm thu phí thuộc 5 dự án này.

Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước cho rằng trạm thu phí quá dày khiến cho doanh nhgiệp phải oằn mình gánh chi phí, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản. Trong ảnh là trạm thu phí số 2 Đồng Xoài – Phước Long thuộc tuyến đường ĐT741. Dự án này do Công ty cổ phần kinh doanh BOT ĐT 741 làm chủ đầu tư, dự án có tổng chiều dài 45km, có 2 trạm thu phí, đặt cách nhau chỉ 24km

Hiện dự án BOT tuyến Đồng Phú - Bình Dương đang được triển khai. Như vậy khi dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2020, số trạm thu phí ở tỉnh Bình Phước sẽ tăng lên con số 9.

Liên quan vấn đề, ngày 4-4, lãnh đạo tỉnh Bình Phước có có buổi đối thoại với Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm giải quyết phản ánh của các doanh nghiệp về các tuyến đường từ tỉnh Bình Phước đi TP.HCM dày đặc trạm thu phí khiến doanh nghiệp oằn mình gánh chi phí.

Trước đó, hiệp hội này có văn bản kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan từ Trung ương tới địa phương cho rằng Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo nhưng lại có mật độ trạm thu phí BOT dày đặc.

Đáng chú ý, trên tuyến đường ĐT.741 từ thị xã Phước Long về TP.HCM có tới 6 trạm thu phí. Cụ thể: Bù Nho - Đồng Xoài (48km), Đồng Xoài - Tân Lập (29km), Tân Lập - Bố Lá (30km), Bố Lá - Suối Giữa (58km), Suối Giữa - Lái Thiêu (17,2km)…

Hay như tuyến quốc lộ 13 cũng chỉ dài khoảng 70km nhưng có đến 3 trạm thu phí. Đặc biệt dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn cầu Tham Rớt - An Lộc chỉ dài 32,3km nhưng có đến 2 trạm thu phí.

Ông Võ Quang Thuận - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước, giám đốc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi khẳng định các trạm thu phí BOT từ địa bàn tỉnh Bình Phước đi TP.HCM và ngược lại tồn tại nhiều bất cập.

Người lái xe và các doanh nghiệp có nhu cầu về vận chuyển hàng hóa đang oằn mình cõng thêm nhiều khoản phí. Quãng đường khoảng 70km nhưng có đến 3 trạm thu phí, trong khi quy định khoảng cách 70km mới được phép đặt 1 trạm.

Doanh nghiệp của ông, mỗi năm phải mất hơn 1 tỉ đồng để trả phí khi đi qua các trạm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Không chỉ vậy, tuyến đường đặt trạm thu phí ĐT.741 bị hư hỏng trầm trọng, đường có nhiều ổ voi, ổ gà nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông.

Liên quan đến vụ việc các doanh nghiệp vận tải và người dân kêu cứu vì trạm thu phí BOT dày đặc ở Bình Phước được báo chí phản ánh, ngày 27-4, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước báo cáo về vấn đề trạm thu phí dày đặc trên địa bàn tỉnh này.

Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nêu rõ: thời gian qua, một số báo chí phản ánh ý kiến của doanh nghiệp Bình Phước cho rằng trạm thu phí quá dày khiến cho chi phí thành gánh nặng, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra những vấn đề nội dung báo chí phản ánh, trong đó rà soát việc thực hiện điều chỉnh mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 4139/VPCP-CN ngày 7-5-2018.


Đức Trí
.
.
.