Thiếu thiết bị, nhân viên hàng không phải ‘cõng’ người khuyết tật

Thứ Ba, 07/04/2015, 10:17
Rất nhiều trường hợp nhân viên VietJet phải trực tiếp “bế, ẵm, cõng” hành khách là người khuyết tật xuống thang bộ. Điều này tiềm ẩn mối nguy hiểm đến sức khỏe, sự an toàn của hành khách là người khuyết tật…

Liên quan đến sự việc từ chối vận chuyển hành khách là người khuyết tật do không đăng ký trước dịch vụ, ngày 6/4, Hãng hàng không Vietjet đã chính thức có báo cáo gửi Bộ GTVT.

Trong văn bản này, Giám đốc điều hành hãng hàng không Vietjet Lưu Đức Khánh chia sẻ, VietJet là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam mà toàn bộ dịch vụ phục vụ hành khách nói chung và phục vụ hành khách là người khuyết tật nói riêng tại sân bay và các cảng hàng không đều không do hãng cung cấp. Do đó, VietJet không có được sự chủ động trong công tác phục vụ hành khách và chất lượng phục vụ hoàn toàn phụ thuộc vào các Công ty phục vụ mặt đất và các Cảng hàng không trong nước.

Vị này chia sẻ thêm, mặc dù Thông tư 36 quy định doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại các Cảng hàng không phải đảm bảo có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn lên tàu bay, nhưng trong số 13 sân bay nội địa VietJet đang khai thác, chỉ có 5 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Liên Khương có trang bị xe nâng (high-lift). 8 sân bay còn lại chưa được trang bị xe nâng gồm: Phù Cát, Thọ Xuân, Cam Ranh, Vinh, Cần Thơ, Ban Mê Thuột, Phú Bài và Cát Bi. 

Chính vì thiếu đồng bộ như vậy nên rất nhiều trường hợp ở sân bay xuất phát, VietJet thuê được dịch vụ xe nâng để phục vụ khách nhưng tại sân bay đến, đại diện VietJet phải trực tiếp “bế, ẵm, cõng” hành khách là người khuyết tật xuống thang bộ. 

Điều này tiềm ẩn mối nguy hiểm đến sức khỏe, sự an toàn của hành khách là người khuyết tật cũng như của chính nhân viên đại diện hãng, tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

     Một khó khăn nữa trong việc phục vụ hành khách là người khuyết tật, theo ông Khánh, là cơ sở vật chất của nhiều nhà ga, sân bay còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ. Nhiều sân bay chưa được thiết kế để phục vụ hành khách khuyết tật như thiếu lối giao thông riêng, thiếu các trang thiết bị phục vụ riêng...

“Thực tế, khách hàng chỉ biết hãng hàng không nên mọi áp lực, từ dư luận tới cơ quan quản lý lên hãng là rất lớn. Khi khách hàng không hài lòng, chỉ có hãng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, trên chuyến bay VJ8911/HAN-BKK ngày 24/5/2014, VJ đã đặt dịch vụ xe nâng cho khách khuyết tật nhưng đến khi boarding thì không có phương tiện phục vụ do thiếu xe, buộc hãng phải cắt khách khuyết tật vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm khách khác. Khách khuyết tật và người nhà đã phản ứng quá khích, đập phá nhà ga, làm vỡ cửa kính tại cửa khởi hành. Kết quả, VietJet phải bồi thường cho khách  kèm theo tai tiếng về dịch vụ không tốt mà thực tế là bất khả kháng tại nhà ga” - ông Khánh nói.

Trước đó, ngay khi nhận được thông tin về vụ Vietjet từ chối phục vụ người khuyết tật, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký công văn yêu cầu Công ty Cổ phần hàng không Vietjet báo cáo sự việc hành khách Nguyễn Thị Vân bị hãng từ chối vận chuyển khi đi từ Đà Nẵng về Hà Nội theo vé khứ hồi.

T. Huyền
.
.
.