Thay đổi trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương

Chủ Nhật, 01/03/2015, 07:50
Cao tốc TP HCM - Trung Lương đang là tuyến giao thông huyết mạch nối TP HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Theo thiết kế, tuyến cao tốc đầu tiên của phía Nam có tổng chiều dài 61,9km, gồm 2 hệ thống: đường cao tốc trên cao dài 40km có điểm đầu tại Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), điểm cuối tại xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) và các tuyến đường nối dài 21,9km. Vận tốc thiết kế 120km/giờ với 8 làn xe, tổng mức đầu tư 9.884 tỷ đồng. 

Thời gian qua, trong các dịp lễ, Tết phương tiện lưu thông đột biến tăng cao khiến cho hai đầu trạm thu phí bị ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài nhiều giờ. Tình trạng ùn tắc này đã ảnh hưởng đến các tuyến giao thông kết nối đặc biệt là khu vực trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa. Nguyên nhân được xác định là do cửa sổ thu phí quá ít, chỉ một làn cho cả hai chiều.

Ông Vũ Ngọc Quang - Chi cục trưởng Chi cục IV.7 (Cục QLĐB IV) cho biết, lượng xe qua trạm thu phí khoảng 20.000 lượt xe/ngày, cao điểm lễ, Tết có thể lên đến hơn 30.000 lượt/ ngày.

Trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có đến 14 cửa sổ thu phí, còn cao tốc TP HCM - Trung Lương tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa có 6 cửa và trạm Chợ Đệm có 9 cửa. Tính chuyên nghiệp của tram thu phí TP HCM - Long Thành - Dầu Giây linh hoạt, sáng tạo hơn nhiều so với tuyến cao tốc Trung Lương.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - TP HCM.

Cùng thời điểm cao tốc Trung Lương - TP HCM kẹt xe kéo dài tại trạm thu phí Tết Nguyên đán 2015, thì trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giao thông vẫn thông suốt. Tại mỗi ca bin thu phí có 2 nhân viên cùng ca, một người trực thu phí, tươi cười chào tài xế, xin rác thừa, một nhân viên đứng bên ngoài điều tiết, hướng dẫn tài xế vào cửa sổ qua trạm không mất thời gian quay ngang dọc, tìm kiếm…

Với trạm thu phí trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, xe vào trạm đầu chỉ “ấn nút, lấy thẻ, trả tiền” được coi là một trong những hình thức thu phí hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Khi đến trạm thu phí tiếp theo, tài xế trả thẻ từ và trả tiền theo phiếu điện tử trong vài giây. Nhưng vì sao bị ùn tắc tại trạm thu phí?

Thực tế cho thấy, không phải tài xế nào cũng hoàn toàn lái xe áp sát chỗ “ấn nút lấy thẻ” và trả thẻ thanh toán tiền, vì lệ thuộc vào khoảng cách ca bin xe với cửa sổ, tài xế đậu xa một chút, mở dây bảo hiểm, chờ trả tiền, chờ trả tiền thừa, lùi áp xe gần cửa sổ… số thời gian cho mỗi lượt tài xế không thể nhanh như lý thuyết.

Khi lưu lượng xe tăng cao, tình trạng ùn tắc xảy ra là không tránh khỏi. Dịp Tết vừa qua, nhân viên trạm phải tăng cường thêm đứng ngoài cabin thu phí để giúp tài xế nhanh chóng thoát trạm nhưng vẫn bị ùn tắc kéo dài.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý Đường bộ IV điều chỉnh tốc độ khai thác tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương tối đa từ 100 km/h lên 120km/h theo đúng tốc độ thiết kế của dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh mức thu phí trên tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương từ 1.000 đồng lên 1.500 đồng/PCU/km, (PCU: đơn vị quy đổi) thời gian bắt đầu thu từ 1/6/2015 đến 31/12/2018.

Theo đó, xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn sẽ tăng mức phí từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng cho suốt tuyến. Bên cạnh đó, để có đủ vốn cho dự án tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hỗ trợ 325 tỷ đồng từ nguồn vốn bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương để đầu tư cho dự án. Tổng cộng số tiền dự kiến thu về là 945 tỷ đồng.

Tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác và bàn giao cho TP HCM quản lý. Hai nút giao Tân Tạo và Chợ Đệm là hạng mục bổ sung để nối vào đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đã được Chính phủ chấp thuận năm 2009 và Bộ GTVT phê duyệt thiết kế từ năm 2010. Nhưng do tại thời điểm thực hiện, nguồn vốn ứng trước từ ngân sách Nhà nước cần phải tập trung để hoàn thành tuyến cao tốc nên không đủ vốn cấp cho các nút giao này.

Trước đó, từ ngày 25/2/2012, Bộ GTVT cũng đã giao Tổng Công ty Cửu Long (chủ đầu tư dự án) tổ chức thu phí trên cao tốc với mức thấp nhất là 40.000 đồng và cao nhất là 320.000 đồng.

Hiện nay, phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương có mức thu từ 1.000 đồng đến 6.000 đồng/km tùy từng loại xe.

Hoàng Châu
.
.
.