Ứng dụng công nghệ GrabTaxi, Uber thí điểm vào kinh doanh vận tải:

Taxi truyền thống lo mất thị phần

Thứ Sáu, 20/11/2015, 11:00
Ngày 19/11, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo Hệ lụy của loại hình “Uber, GrabTaxi” và các giải pháp ứng dựng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững. Nhiều hãng taxi đã đến tham dự và bày tỏ quan điểm, cũng như lo lắng về việc kinh doanh thiếu công bằng…


Có “đánh tráo” khái niệm xe hợp đồng-taxi?

Mặc dù mới chính thức được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm từ tháng 10/2015, thế nhưng, GrabTaxi đã có mặt và hoạt động tại Việt Nam từ hơn 1 năm trước. Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, các xe ôtô kinh doanh chở khách khi sử dụng phần mềm Uber hay GrabTaxi đều có thể không cần phù hiệu logo, đồng hồ tính cước như taxi truyền thống và nhìn bên ngoài giống như một chiếc ôtô không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

Nhiều hãng taxi truyền thống lo mất thị phần  vào tay “GrabTaxi và Uber”.

Đề cập đến vấn đề pháp lý, ông Nguyễn Anh Quân nêu rõ, GrabTaxi và Uber chỉ là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi mà ở đây là với lái xe.

“Theo quy định pháp luật, Uber và GrabTaxi chỉ tạo nền tảng để bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ vận tải gặp nhau nhưng trên thực tế, các công ty này lại lấn sân sang cả lĩnh vực kinh doanh xe taxi và hiện nay nhiều người cũng biết đến Uber Taxi, GrabTaxi như là những hãng taxi”, ông Quân khẳng định.

Chứng minh điều này, ông Quân đưa ra các dẫn chứng như  Uber và Grab đang trực tiếp thực hiện các hoạt động của một công ty kinh doanh xe taxi như lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe và khách, thu phí của lái xe, khuyến mại cho khách hàng, có thể tăng giá tùy theo thời điểm, khi thời tiết không thuận lợi hoặc thiếu xe… Đưa ra chính kiến, đại diện hãng VIC Taxi Hà Nội cho rằng, GrabTaxi và Uber kinh doanh giống taxi truyền thống nhưng lại không chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Xe ôtô không cần phù hiệu, logo nên có thể mở rộng số lượng, gây rối loạn thị trường và gây ùn tắc giao thông, xe không có thiết bị GPS, thu cước giá thành thấp vì không phải bỏ các khoản chi phí như thực hiện bảo hiểm xã hội, dán thương hiệu xe.

Nói về giá cước, theo đại diện Taxi Thanh Nga, giá cước của Uber, Grab đang áp dụng thì không hãng taxi truyền thống nào chạy được 6.000 đồng/km dù có áp dụng công nghệ. Các xe sử dụng phù hiệu xe hợp đồng chạy như taxi nhưng đại đa số xe chạy thì chưa dán hợp đồng. Vậy, có bao nhiêu xe tư nhân trà trộn vào đây kinh doanh theo hình thức này.

“Nếu việc cho phép dịch vụ taxi sử dụng phần mềm Grab, Uber hoạt động tràn lan, núp danh loại hình kinh doanh xe hợp đồng hợp pháp là đồng nghĩa với việc tháo khoán, khuyến khích cho nhà nhà, người người làm taxi, từ đó đi ngược chính sách của cơ quan Nhà nước đã đề ra và tạo ta một môi trường kinh doanh phức tạp, bất bình đẳng, không lành mạnh của thị trường này. Tôi đề nghị Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội điều tra, tránh tình trạng bất cứ ai, hay nhà nhà có thể kinh doanh taxi?,” đại diện hãng Taxi Thanh Nga cho hay.

Đề xuất khống chế số lượng ôtô chạy Uber, GrabTaxi

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, tính đến ngày 11/11, số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu xe hợp đồng là 2.364 xe. Tổng lượng xe ôtô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải (taxi + hợp đồng) trên địa bàn thành phố là 20.993 xe (chưa bao gồm số lượng phương tiện xin cấp phù hiệu xe taxi ở tỉnh ngoài về hoạt động tại Hà Nội).

Vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu không quy định rõ số lượng xe hợp đồng thí điểm, thì số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trên địa bàn Thủ đô theo hình thức taxi sẽ phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tình trạng ùn tắc giao thông, trong khu vực nội đô của thành phố càng tăng lên.

Trước đó, vào năm 2011, để hạn chế một số bất cập như: lượng xe taxi tăng nhanh, ùn tắc giao thông, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng… Sở đã tạm dừng việc cấp phép thành lập hãng taxi mới và không cho tăng số lượng xe của các hãng đang hoạt động trên địa bàn thành phố.Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, một số đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải đã thành lập các chi nhánh tại các tỉnh lân cận và đưa các phương tiện về Hà Nội hoạt động gây khó khăn trong quản lý, mất trật tự an toàn giao thông và đi ngược lại với chủ trương hạn chế gia tăng số lượng taxi. Một trong những giải pháp của Sở khi đó là cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”.

Nhờ đó, 18.629 taxi được phép hoạt động trên địa bàn thành phố đã được quản lý dễ dàng hơn.Thời gian qua, sự xuất hiện loại hình vận tải mới thông qua ứng dụng phần mềm gọi xe như Uber, Grab Taxi được cơ quan này đánh giá đã làm tăng đột xuất số lượng xe dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Đưa ra giải pháp, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khống chế số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ tham gia ứng dụng phần mềm này đồng thời ban hành các quy định về điều kiện ứng dụng phần mềm quản lý chung, để triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện theo đúng chỉ đạo. “Công ty TNHH GrabTaxi hỗ trợ phần mềm ứng dụng cho đơn vị vận tải kinh doanh chứ không tham gia việc trực tiếp kinh doanh vận tải”, ông Linh bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 với việc bỏ loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và một số loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này vì việc quy định này đã nằm cả trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. “Chính phủ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, đang là thành viên của Hiệp hội Vận tải Hà Nội được chuyển đổi sang loại  hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.

Đặng Nhật
.
.
.