Tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn để nằm bờ

Chủ Nhật, 02/06/2019, 08:00
Thời gian qua, có nhiều tàu cao tốc được đầu tư đóng mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng để chở khách trên tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn, song không ngờ chỉ hoạt động được vài năm đã phải “đắp chiếu” nằm tại cảng An Hải, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Việc tàu nằm bờ đã khiến các chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…


Để phục vụ cho hoạt động buôn bán và nhu cầu đi lại của người dân và du khách từ đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại, từ năm 2005, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã trích ngân sách đóng mới chiếc tàu cao tốc đầu tiên mang tên Lý Sơn. 

Đến năm 2014, khi đảo Lý Sơn được nối mạng lưới điện quốc gia và trở thành một trong những điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước, thì dịch vụ vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn càng thêm bức thiết. Không bỏ lỡ cơ hội, một số người “nhạy bén” quyết định vay vốn đầu tư đóng mới tàu cao tốc hoạt động trên tuyến đường thủy này. Và, hàng chục chiếc tàu cao tốc được ra đời, đưa vào vận tải khách du lịch tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn. 

Thế nhưng, điều các chủ tàu không ngờ tới, đó là tàu cao tốc này chỉ mới hoạt động được vài năm, họ chưa kịp thu hồi vốn, đã phải chấp nhận để tàu “đắp chiếu” nằm tại cảng An Hải.
Nhiều tàu cao tốc nằm bờ tại cảng An Hải.

Tìm hiểu nguyên nhân mới biết, do sự xuất hiện của chiếc tàu siêu tốc mang tên Chín Nghĩa 03, rút ngắn thời gian từ đất liền ra đến đảo Lý Sơn chỉ mất khoảng 35 phút. Trong khi đó, tàu cao tốc chạy trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn phải mất hơn 1 giờ đồng hồ. Vì vậy, đa số người dân và du khách ra đảo Lý Sơn đều lựa chọn tàu siêu tốc, khiến tàu cao tốc bị đẩy vào tình cảnh ế ẩm. Tàu siêu tốc Chín Nghĩa 03 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bến xe Chín Nghĩa đầu tư. 

Ông D., một chủ tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, than vãn rằng, hành khách ai cũng muốn đi ra đảo và về lại đất liền cho thật nhanh nên mặc dù tàu cao tốc chỉ chạy chậm hơn chừng 20 phút, giá vé khoảng 100 nghìn đồng, thấp hơn từ 40-60 nghìn đồng, so với tàu siêu tốc nhưng rất ít người đi. Vì thế, để thoát khỏi tình trạng kinh doanh ế ẩm, tiếp tục tham gia vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn thì phải đóng mới tàu siêu tốc để cạnh tranh. Mà đóng tàu siêu tốc thì vốn quá lớn… 

Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, chừng 20 tháng đã có 7 chiếc tàu siêu tốc được đầu tư đóng mới, đưa vào hoạt động trên tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn. Hệ quả từ sự ra đời của hàng loạt tàu khách siêu tốc làm cho hầu như toàn bộ tàu khách cao tốc chạy trên tuyến này phải neo bờ vì ế ẩm. Đáng quan tâm, mỗi chiếc tàu cao tốc khi được đóng mới có giá trị từ 5 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng. Trong khi số tiền hoạt động trong vài ba năm của tàu cao tốc thu lại chẳng là bao. Từ đó, nhiều chủ tàu cao tốc lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất.

Linh Nguyễn
.
.
.