Tăng mức xử phạt người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe: Phải đủ sức răn đe

Thứ Ba, 04/06/2019, 09:17
Theo ông Khuất Việt Hùng, phạt lao động công ích với hành vi vi phạm nồng độ cồn cũng là một chế tài nên xem xét.


Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-Cp quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trong đó có nội dung nâng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn lên đến 30 triệu đồng, tước GPLX đến 1 năm. 

Dư luận đồng tình với việc phải tăng mức xử phạt đối với hành vi này. Tuy nhiên, đi kèm đó là đề xuất những hình thức xử phạt khác đủ sức răn đe như vào bệnh viện chăm sóc người bị tai nạn giao thông do chính người sử dụng rượu bia gây ra, xử phạt cả người đi cùng hay gắn thiết bị giám sát trên xe…

Chia sẻ ý kiến về việc tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn theo đề xuất của Bộ GTVT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, cần xem xét kỹ vấn đề này và chưa thể khẳng định việc tăng mức xử phạt là đủ sức răn đe hay không. 

Bởi lẽ, mức xử phạt 4 triệu đồng sẽ là cả gần tháng lương với người này nhưng với người khác là bình thường. Họ sẵn sàng nộp phạt cho xong. Bên cạnh đó, việc nâng mức xử phạt liên quan tài chính có thể phát sinh phức tạp. Theo ông Khuất Việt Hùng, phạt lao động công ích với hành vi vi phạm nồng độ cồn cũng là một chế tài nên xem xét. 

Ví dụ như buộc người vi phạm nồng độ cồn vào Bệnh viện Việt Đức chăm sóc người bị tai nạn giao thông do người khác vi phạm nồng độ cồn gây ra.

“Tôi nghĩ, có người sẵn sàng nộp phạt nhiều tiền nhưng nếu phải vào Bệnh viện để làm những việc như thế họ sẽ rất ngại và họ sẽ không tái phạm”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Ông Hùng cũng chia sẻ, ở một số quốc gia khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc… thì chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất nghiêm minh, cụ thể. 

“Tôi lấy ví dụ ở Nhật Bản có hình thức phạt 3 bên, tức là phạt người vi phạm nồng độ cồn (phạt tiền hoặc phạt tù); phạt người cung cấp cồn cho người vi phạm và phạt người ngồi bên cạnh. Vợ đi với chồng, chồng uống rượu mà vợ vẫn cứ ngồi cạnh thì vợ cũng bị xử phạt. Nếu chúng ta quy định được như thế thì tôi khẳng định sẽ giảm được rất nhiều hành vi vi phạm. Pháp luật quy định người vợ phải từ chối đi cùng, ngồi trên xe người chồng mà hơi thở có nồng độ cồn… Chúng tôi rất mong muốn Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ quy định chặt chẽ, nghiêm minh trách nhiệm của người kinh doanh rượu bia, trên cơ sở đó mới có chế tài được. Riêng xử phạt hành chính, chúng ta cũng có thể đưa vào việc xử phạt người ngồi cạnh người uống rượu bia trên phương tiện giao thông. Cũng giống như việc đội mũ bảo hiểm, người ngồi sau không đội mũ thì người lái xe cũng bị phạt”, ông Khuất Việt Hùng cho biết.

Theo một số chuyên gia về giao thông đô thị, ở một số nước, nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn, Cảnh sát sẽ gắn thiết bị lên phương tiện của lái xe để bắt buộc lái xe phải kiểm tra nồng độ cồn trước khi nổ máy. Nếu lái xe có nồng độ cồn thì không thể khởi động được. Nhiều người cho rằng, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để xử phạt người vi phạm nồng độ cồn. 

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an thì hiện nay, quy định của pháp luật nước ta chưa cho phép áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, để xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn, chúng ta cũng có thể đa dạng biện pháp xử phạt. Ứng dụng công nghệ như vậy cũng là để bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông và phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ.

Nâng cao mức xử phạt, sử dụng hình thức xử phạt bổ sung để đủ tạo sức răn đe chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi vấn nạn sử dụng rượu bia vẫn lái xe của các tài xế hiện nay.

Nguyễn Hương
.
.
.