Tăng cường kiểm tra hoạt động thủy trong mùa mưa bão

Thứ Hai, 04/07/2016, 09:16
Những trận giông lốc thường xảy đến bất ngờ trên vùng biển Quảng Ninh vào mùa mưa bão khiến con người không kịp phòng tránh, gây nhiều vụ chìm tàu, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Từ đầu năm đến nay, trên vùng biển Quảng Ninh xảy ra 3 vụ đắm tàu, 2 vụ cháy tàu tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu. Dù không có thiệt hại về người nhưng một số tàu vẫn bất chấp quy định chở quá tải, thuyền trưởng không có bằng lái…

Vi phạm vẫn tiếp diễn

Cùng với các tàu du lịch, hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long còn xuất hiện những đò, mủng đón khách ven bờ đi tham quan Vịnh Hạ Long. Theo ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long thì những phương tiện này rất nguy hiểm khi chở khách trái phép, không có đăng ký, đăng kiểm, nhất là trong mùa mưa bão, chính vì vậy UBND TP đã giao cho Công an TP Hạ Long và các phường ven biển kiểm tra, xử lý.

Cảnh sát đường thủy kiểm tra phương tiện cứu sinh trên tàu du lịch thăm quan Vịnh Hạ Long.

Đại tá Đặng Văn Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh lo lắng: “Quảng Ninh có 5 điểm nghỉ đêm trên vịnh với 201 tàu du lịch lưu trú, đây là đối tượng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất ATGT, nhất là mùa mưa bão khi giông, lốc xảy đến bất ngờ”.

“Vào các ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng đột biến, nhất là lượng khách có nhu cầu đi tham quan Vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô, các xã đảo của huyện Vân Đồn. Trong khi tình trạng cảng, bến, phương tiện chở khách không đảm bảo các điều kiện an toàn, các vụ cháy tàu du lịch, phương tiện chở quá số người quy định vẫn diễn ra. Đội ngũ thuyền trưởng, thủy thủ, thuyền viên ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn ít kinh nghiệm hoạt động trên sông nước. Chính vì vậy, tình trạng vi phạm về TTATGT vẫn còn xảy ra, cộng với sự diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, khí hậu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT mà nguyên nhân do ý thức chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm của thủy thủ, thuyền viên”, Đại tá Đặng Văn Thịnh cho biết.

Cũng do ý thức kém và vì lợi nhuận, nhiều thủy thủ, thuyền viên đã cho các thuyền gỗ, thuyền nan nhỏ đeo bám, thậm chí chằng buộc vào tàu từ đảo Rều ra động Thiên Cung – Cầu Gỗ và Ba Hang để bán hàng cho du khách. Theo đại diện Đội kiểm tra, xử lý vi phạm trên Vịnh Hạ Long thì “điều này cực kỳ nguy hiểm, rất dễ xảy ra đắm tàu, lật tàu, chìm tàu”.

Nhưng bất chấp nguy hiểm, bất chấp bị kiểm tra, xử lý, nhiều thuyền trưởng và thủy thủ vẫn ngang nhiên vi phạm. Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã xử lý 16 trường hợp đò bám buộc tàu du lịch để bán hàng vi phạm các quy định về TTATGT.

An toàn được đặt lên hàng đầu

Ngoài 8.058 phương tiện thủy sản qua lại trên vùng biển mỗi ngày, Quảng Ninh còn có 4 cảng, 35 bến thủy nội địa, hàng trăm tàu chở hàng và 534 tàu vận tải khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, 70 phương tiện vận chuyển khách tuyến cố định từ trong đất liền ra các xã đảo và huyện Cô Tô, 29 xuồng cao tốc, 110 đò chèo tay phục vụ các dịch vụ vui chơi giải trí. 

Đò, mủng chằng buộc vào tàu du lịch gây mất ATGT.

Với lượng phương tiện vô cùng lớn và 5,4 triệu khách du lịch (6 tháng đầu năm) đến Quảng Ninh thì nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đường thủy vô cùng nặng nề. Theo Đại tá Đặng Văn Thịnh thì hạn chế lớn nhất là lưu lượng, phương tiện vận chuyển khách đông, trong khi hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp thời.

Điểm neo đậu tàu thuyền, neo đậu lưu trú trên Vịnh Hạ Long vừa quá tải, vừa xuống cấp, nhiều điểm trên luồng tuyến bị khan cạn do đất đá của các dự án san lấp mặt bằng, đặc biệt là chịu sự chi phối rất lớn của thời tiết như giông lốc bất thường, mưa bão gây khó khăn cho công tác quản lý. Hơn thế nữa, tình trạng chở quá tải, vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn phương tiện vẫn diễn ra.

Để đảm bảo TTATGT đường thủy trong mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát đường thủy đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp nhằm phòng ngừa tai nạn.

“Chúng tôi tuyên truyền trên hệ thống loa, cảng bến, sân khấu hóa, đặc biệt biên tập tờ rơi thật ngắn gọn cho bà con dễ hiểu”, đồng chí Thịnh giải thích. Song song với tuyên truyền, trong 6 tháng, đơn vị đã phối hợp lập biên bản tạm dừng hoạt động 40 lượt, cảng bến; xử lý 234 trường hợp tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long; 6 tàu cao tốc chở khách tuyến cố định và xử lý 98 trường hợp đò chở người.

Điển hình là kiểm tra phát hiện 1 tàu cao tốc của Doanh nghiệp vận tải Thành Hưng chở quá tải 8 khách từ Quan Lạn về Hạ Long, đã xử phạt và dừng toàn bộ hoạt động của 4 chiếc tàu do doanh nghiệp này quản lý trong 15 ngày. Cũng theo UBND TP Hạ Long thì trong 6 tháng đã xử lý 7 trường hợp là tàu du lịch Minh Hương 28 và Phương Hằng 2 vi phạm vì không có chứng nhận đăng ký phương tiện, không có bằng thuyền trưởng theo quy định.

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy thì hiện nay các phương tiện thủy của Quảng Ninh không có tàu nào hết hạn đăng ký, đăng kiểm. Tại các cảng tàu đều có cán bộ của đơn vị cùng lực lượng chức năng kiểm tra số người theo quy định và mặc áo phao trước khi xuất bến. Tuy nhiên, khách đi trên biển cởi áo phao là việc rất khó kiểm soát. Sau vụ chìm tàu trên sông Hàn, Quảng Ninh đang siết chặt quản lý phương tiện thủy nhằm đảm bảo TTATGT và an toàn cho du khách.

Trần Hằng
.
.
.