Tai nạn nghiêm trọng gia tăng ở Thủ đô

Thứ Tư, 17/06/2015, 08:09
6 tháng đầu năm trên toàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 884 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 316 người chết, 740 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 59 vụ nhưng lại tăng 22 người chết.

“Từ trước đến nay, chưa khi nào Hà Nội có số người chết gia tăng khủng như vậy”, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội đánh giá. Chiều 15/6, một cuộc họp khẩn nhằm đưa ra các giải pháp kìm chế TNGT, nhất là trên địa bàn các huyện ngoại thành đã được tổ chức.

Thống kê từ Phòng CSGT cho thấy, trong số 884 vụ TNGT xảy ra thì có 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người chết và 5 người bị thương. Tai nạn rất nghiêm trọng thì có 13 vụ làm 26 người chết và 4 người bị thương. Đáng chú ý nhất là số vụ TNGT nghiêm trọng lại xảy ra tới 284 vụ làm 282 người chết và 102 người bị thương.

So với cùng kỳ năm 2014 tăng tới 31 vụ, tăng 31 người chết. Và so với cùng thời gian liền trước thì tăng 7 vụ, tăng 9 người chết, giảm 23 người bị thương. Bên cạnh đó, số vụ TNGT ít nghiêm trọng cũng ở mức báo động khi chỉ trong 6 tháng đã xảy ra 200 vụ làm 270 nười bị thương, so với cùng kỳ năm 2014 đã tăng 11 vụ, tăng 27 người bị thương.

Phân tích cho thấy, trong số các nguyên nhân gây tai nạn từ ít nghiêm trọng trở lên thì lỗi đi sai phần đường chiếm tới 22,2% (111 vụ); tiếp đến là lỗi không chú ý quan sát là 89 vụ (17,8%)... Đối tượng gây tai nạn là môtô chiếm 56,9%; ôtô 181 vụ tương đương 36,2%; bộ hành 15 vụ tương đương 3%; xe đạp 6 vụ tương đương 1,2%... Các địa bàn có tình hình TNGT từ nghiêm trọng trở lên tăng cao so với thời gian cùng kỳ là các huyện: Phúc Thọ (tăng 5 người chết); Thanh Oai (tăng 8 người chết); Sóc Sơn (tăng 9 người chết)…

CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát vi phạm ở các huyện ngoại thành.

Đánh giá về nguyên nhân khách quan dẫn đến TNGT tăng, lãnh đạo Phòng CSGT cho rằng, do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao, nhiều trường hợp nắm được các quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm; coi thường tính mạng của bản thân và những người xung quanh; chưa hình thành được ý thức tự giác.

Một phần khác là do nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa nên số lượng phương tiện giao thông tham gia đường bộ chiếm số lượng lớn và ngày càng tăng cao trong thời gian gần đây, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tình hình thực tế. Độ an toàn của các phương tiện tham gia giao thông thấp, đặc biệt là các phương tiện xe môtô do không được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác triển khai, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, làm giảm TNGT của một số đơn vị còn hạn chế, chưa đồng bộ…

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, muốn kìm chế tai nạn giao thông, giảm các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thì ý thức người dân phải thay đổi. Mà muốn biến chuyển, không có cách nào khác là lực CSGT phối hợp cùng địa phương phải thay đổi tuyên truyền về nội dung, phải có sự sáng tạo phù hợp từng địa bàn từng đối tượng. Chủ động phát trên loa đài, để người dân hiểu và thực hiện theo...

Về phía Phòng CSGT, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, Phòng CSGT Hà Nội vẫn phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra là TNGT giảm 5%-10% trên cả 3 tiêu chí; giảm 10 điểm thường xuyên có nguy cơ số vụ ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và hạn chế mức thấp nhất số vụ ùn tắc kéo dài. Để làm được điều này, từ nay đến cuối năm sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát 24/24h hàng ngày trên các tuyến đường quốc lộ trọng điểm và các dịp lễ tết.

Cụ thể, sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động tập trung xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông tập trung vào các đối tượng như xe khách, xe taxi, xe tải, xe khách giả danh xe buýt. Đặc biệt, Phòng CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera xử phạt.

Trưởng phòng CSGT cũng yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm phải căn cứ vào các khu vực điểm đen về TNGT, các khu vực, tuyến đường có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp; thời gian thường xuyên xảy ra tai nạn; xử lý tập trung vào đúng đối tượng cần đấu tranh; không kiểm tra tràn lan mà không xử lý hoặc chuyển lỗi, bỏ qua vi phạm…

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 253.000 trường hợp vi phạm. Trong đó, xe khách là 4.487 trường hợp; xe con là 12.351 trường hợp; xe taxi là 4.055 trường hợp; môtô là 150.229 trường hợp; sơ mi rơ mooc là 57 trường hợp; xe ba bánh là 313 trường hợp…
Phạm Huyền
.
.
.