TNGT đường sắt tăng vọt: 100 người chết, ngành đường sắt lãnh đủ

Thứ Bảy, 25/07/2015, 08:45
Chỉ tính riêng trong tháng 6/2015 xảy ra 26 vụ TNGT đường sắt (tăng hơn 136% so với cùng kỳ năm 2014). Hàng chục người tham gia giao thông tử vong, còn ngành đường sắt thì lãnh đủ!

Có cảnh báo, lái xe vẫn băng qua đường sắt

Dù vụ tai nạn đã xảy ra cách đây vài hôm, song những người dân sống quanh khu vực gần chùa Tứ Kỳ (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn nhớ như in hình ảnh một chiếc ôtô con vẫn băng qua đường sắt đi ra đường Ngọc Hồi dù đã có đèn báo tín hiệu đường sắt. Bất ngờ tàu Bắc-Nam chạy từ hướng Hà Nội đi Sài Gòn đâm chính diện.

Sau cú húc mạnh của tàu hỏa đã khiến mạn sườn trái của chiếc xe 7 chỗ bị lún hẳn vào bên trong, toàn bộ cửa kính bên trái bị vỡ tung, chiếc xe ôtô bị lật ngược 180 độ, phần mũi xe bị vỡ hoàn toàn, các mảnh kính vỡ vương vãi khắp hiện trường. Một người ngồi trên xe bị văng ra khỏi xe xuống đường chết ngay tại chỗ, 5 người khác trên xe bị thương nặng.

Nhiều người có mặt tại hiện trường nhận định, do lái xe ôtô thiếu quan sát nên tai nạn đã không tránh khỏi thương tâm. Trước một ngày vụ tai nạn trên xảy ra, trên tuyến đường sắt này cũng đã xảy ra tai nạn khiến một người tử vong, dù đèn hiệu báo tàu đã được bật lên, song người dân vẫn cố tình băng qua đường sắt.

Điều đáng nói, những vụ tai nạn kể trên không phải vụ tai nạn đầu tiên trên tuyến đường sắt Bắc Nam có nguyên nhân từ sự bất cẩn của người lái phương tiện đường bộ.

Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt gần chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nơi vừa xảy ra vụ tàu hỏa đâm xe 7 chỗ làm 1 người chết.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, riêng trong tháng 6/2015 xảy ra 26 vụ TNGT đường sắt (tăng hơn 136% so với cùng kỳ năm 2014), làm 24 người chết (tăng hơn 166%) và 5 người bị thương (tăng 150%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, đường sắt xảy ra 112 vụ TNGT (tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2014), làm chết 100 người (tăng hơn 26%) và bị thương 29 người (tăng hơn 61%).  Trước đó, từ 2011 đến 2014, TNGT đường sắt diễn biến theo xu hướng giảm dần cả ba tiêu chí và có nhiều thời điểm được đẩy lùi, mỗi năm giảm khoảng 50 vụ với gần 50 người chết...

Lãnh đạo ngành đường sắt cũng nhìn nhận, tai nạn xảy ra trên đường sắt đang có diễn biến phức tạp có phần nguyên nhân do người đi đường không chú ý quan sát khi qua điểm giao cắt, thậm chí cố tình vượt qua dù biết có đoàn tàu đang đến.

Mặc dù vậy, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nếu chỉ đổ lỗi do người dân thiếu ý thức là không công bằng. Cần phải nói đến trách nhiệm của ngành đường sắt, bởi công tác bảo đảm trật tự ATGT không đạt hiệu quả.

Ông Khuất Việt Hùng đặt vấn đề, cần tự hỏi, tại sao cùng con người đó, số phương tiện đó mà năm 2014, TNGT đường sắt giảm, còn năm nay lại tăng? Công tác cảnh báo, gác chắn đã được tổ chức thực hiện tốt hay chưa? Ngành Đường sắt muốn tăng tốc độ chạy tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ thì công tác bảo đảm ATGT cần phải được ưu tiên hàng đầu. Đối với các đường ngang dân sinh trái phép hiện hữu, cần phải có giải pháp quản lý, khống chế và kiên quyết không để phát sinh.

Áp dụng công nghệ mới cảnh báo tại 300 đường ngang

Trên thực tế, trao đổi với phóng viên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch cho rằng, ngoài thiệt hại về người, TNGT còn gây thiệt hại rất lớn đối với ngành Đường sắt và cả xã hội. Chỉ trong 6 tháng qua, thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng nhưng không có khả năng thu hồi bồi thường. Cùng với đó, không ít địa phương có đường sắt chạy qua chưa giải quyết tốt bài toán giữa phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa với tạo lập hành lang ATGT đường sắt; không hiếm chủ đầu tư dự án giao thông đường bộ, hộ dân sinh sống dọc hai bên đường sắt vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, mở đường dân sinh trái phép qua đường sắt, xây dựng đường bộ qua đường sắt mà không đầu tư hệ thống cầu vượt...

Dù có khó khăn, song ngành Đường sắt Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm 7% số vụ TNGT trong 6 tháng cuối năm. Liệu con số này có khả thi?

Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Duy Hoạch cho rằng: "Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng bắt buộc phải làm. Tới đây, chúng tôi áp dụng công nghệ mới có hiệu quả hơn vào thiết bị cảnh báo tại trên 300 đường ngang, điểm giao cắt giữa đường dân sinh với đường sắt; tăng cường điểm cảnh giới tại các vị trí có mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm. Kiên quyết cùng địa phương giải tỏa hành lang, đóng các điểm mở trái phép, lập đường gom để tạo lối đi qua các nút có gác chắn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông. Các đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường, nhà ga, đoàn tàu của Tổng Công ty sẽ siết chặt kiểm tra chất lượng phương tiện, thiết bị, ý thức chấp hành quy trình, quy phạm và trách nhiệm thực thi công vụ để chủ động ngăn ngừa những tai nạn, trở ngại do chủ quan gây ra. Đồng thời, phải chấm dứt việc tự ý mở lối đi dân sinh vượt qua đường sắt; xây dựng các công trình vi phạm hành lang, tệ ném đất đá lên tàu, trộm cắp các thiết bị là vật tư đường sắt, cản trở người thi hành nhiệm vụ bảo vệ ATGT đường sắt ... Đặc biệt, mỗi người dân cần ý thức nâng cao cảnh giác mỗi khi đi qua đường sắt.

Đặng Nhật
.
.
.