Chuyện người quản lý

Tài công ẩu và hậu quả khôn lường

Thứ Ba, 22/03/2016, 00:45
Tính đến thời điểm này, một tổ công tác đặc biệt đã được Bộ Giao thông Vận tải thành lập để xử lý sự cố sau vụ tai nạn giao thông đường thủy đâm sập cầu Ghềnh. Hàng chục chuyến tàu qua đoạn đường này mỗi ngày đành phải chọn cách trung chuyển bằng xe khách.


Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, do cầu Ghềnh đã bị sà lan đâm sập hoàn toàn nên phải thành lập một Hội đồng thẩm định và đánh giá gồm nhiều bên liên quan, sau đó mới đưa ra phương án xây cầu tạm hoặc xây một cây cầu mới.

 Hiện tại cũng chưa thể tính toán được thiệt hại do vụ tai nạn gây ra. Tuy nhiên, lãnh đạo VNR đánh giá, đây là 1 vụ tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới ngành Đường sắt.

Cũng chỉ cách đây 5 ngày, vào lúc 13h ngày 17-3, tàu Thành Luân 28 đã được đưa ra khỏi cầu An Thái (Hải Dương) sau hơn 10 ngày mắc kẹt từ vụ tai nạn đâm sập cầu.

Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Dương cho biết, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 15 tỉ đồng, trong đó chi phí sửa chữa cầu khoảng 4 - 5 tỉ đồng.

 "Cầu An Thái nằm trên tỉnh lộ 388 là tuyến đường huyết mạch nối quốc lộ 5 với quốc lộ 18, khu vực có có nhà máy sản xuất thép, xi măng… các phương tiện vận tải hàng hóa chưa thể lưu thông được, nên thiệt hại lớn”, ông Long nói. Hiện chỉ có xe đạp, xe máy, xe ôtô dưới 16 chỗ được lưu thông trên một làn cầu.   

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2015, đường thủy xảy ra 96 vụ tai nạn, làm chết 74 người, bị thương 15 người. So với năm 2014, tăng 6 vụ (6,67%), tăng 8 người chết (12,12%), tăng 5 người bị thương (50%). Tính từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã xảy ra 25 vụ TNGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ), làm chết 10 người, bị thương 1 người, chìm đắm 21 phương tiện. 

Theo ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ (Bộ Giao thông Vận tải), trong cả 2 vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng này, lỗi chủ quan ban đầu đều do người điều khiển phương tiện. Tàu Thành Luân 28 đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 1-2016, thuyền trưởng có đủ bằng cấp nhưng lại phớt lờ cảnh báo an toàn.

Dù xung quanh khu vực cầu đều có khoảng 20-21 loại biển báo hiệu về an toàn, về chiều cao tĩnh không, khoang thông thuyền… để cảnh báo nhưng lái tàu Thành Luân 28 có lẽ đã phớt lờ các cảnh báo này, cố tình vượt qua gầm cầu nên mới xảy ra sự cố. 

Còn trong sự việc tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh, thông tin ban đầu cho hay, lái tàu có bằng hạng 2, đủ điều kiện điều khiển tàu kéo sà lan 900 tấn. Song, sà lan còn hạn kiểm định nhưng tàu kéo đã hết hạn đăng kiểm.

Liên quan đến công tác đào tạo thuyền viên lái tàu, ông Trần Văn Thọ thông tin, hiện cả nước có 38 cơ sở đào tạo, sát hạch, và đã cấp khoảng 200.000 bằng lái, chứng chỉ chuyên môn cho các lái tàu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục ĐTNĐ nhìn nhận: “Không ít trường hợp có bằng lái tàu nhưng sau đó chuyển làm công việc khác, không liên quan đến lái tàu, hoặc không hoạt động thường xuyên nên việc quản lý cũng rất khó khăn và tồn tại một số bất cập nhất định”. Qua kiểm tra, Cục đã thu giữ bằng lái, chứng chỉ chuyên môn của một số thuyền viên.                                                     

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện cả nước có 427 cầu nằm trên các tuyến vận tải ĐTNĐ Trung ương. Trong đó có 125 cầu tĩnh không không đảm bảo chạy tàu (theo đề án “Cải thiện tĩnh không cầu, đảm bảo ĐTNĐ của Cục ĐTNĐ năm 2015); 64 cầu ưu tiên nâng cấp; 5 cầu thuộc diện đặc biết phải nâng cấp, gồm: cầu Long Biên, cầu Đuống (Hà Nội) cầu Chui (Hải Phòng), cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh).
Phạm Huyền
.
.
.