TP. Hồ Chí Minh: Lùi thời điểm cho thuê vỉa hè…

Chủ Nhật, 25/06/2017, 08:17
Ngay khi đề án cho thuê vỉa hè, thu phí theo địa bàn quận, huyện do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xây dựng, đưa ra lấy ý kiến các sở, ngành khiến dư luận người dân phản ứng, Báo CAND đã phản ánh về vấn đề này, UBND thành phố ngay sau đó cũng đã yêu cầu dời lại đến cuối năm để có thời gian nghiên cứu. 


Theo yêu cầu của lãnh đạo UBND thành phố, Sở GTVT sẽ tập trung nghiên cứu, điều chỉnh lại đề án cho phù hợp, trong đó phải xác định rõ tuyến đường, khu vực thu phí hoặc không thu phí, mức phí cụ thể. Đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho một số đối tượng để UBND thành phố xem xét trước khi trình HĐND thành phố thông qua.

Như vậy, đề án cho thuê vỉa hè đã phải dừng lại nửa năm để đảm bảo mục đích cho thuê vỉa hè là nhằm lập lại trật tự đô thị, giành một phần vỉa hè cho người đi bộ; từ đó kéo giảm ùn tắc và TNGT, tăng số lượng người đi lại bằng phương tiện công cộng chứ không phải chỉ đơn thuần là khai thác hạ tầng đường bộ để thu phí cho ngân sách.

Cảnh chiếm dụng vỉa hè, lòng đường khi vắng mặt lực lượng giữ gìn trật tự đô thị.

Cần nhìn nhận rằng, sau thời gian quyết liệt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, gần đây một số quận, huyện của thành phố đã đầu tư kinh phí để làm lại vỉa hè. Nhiều tuyến hè đường đã hết cảnh nham nhở do bị đập phá bậc thềm vào nhà hoặc phần vỉa hè nhô cao người dân tự làm trước đó.

Trong khi thông tin được ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT thành phố, số tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m chỉ chiếm một phần rất nhỏ với tổng chiều dài hơn 541km và hiện nay phần lớn đang được cho thuê, thì Sở GTVT đã vội vàng bắt tay vào xây dựng đề án cho thuê vỉa hè.

Mục đích của việc cho thuê vỉa hè là như vậy, song đơn vị lập đề án đã không kịp làm rõ những tuyến đường vỉa hè dưới 3m có cho thuê hay không sau khi dành khoảng 1m cho người đi bộ, phần phía trong chỉ còn hơn 1m, đủ cho người dân ra vào nhà hoặc để tạm một vài chiếc xe máy trước cửa chứ không thể cho thuê.

Nhiều người dân cho rằng, đối tượng nào được thuê vỉa hè cũng cần phải làm rõ trước khi triển khai. Nhà mặt tiền đường hầu như được sử dụng để kinh doanh và cũng chỉ có lợi thế là 4 - 5m khoảng không vỉa hè phía trước. Do đó nếu chính quyền cho người bên ngoài nhảy vào thuê để kinh doanh chắn trước mặt, cản trở lối ra vào, cản trở việc kinh doanh của hộ mặt tiền đường là không ổn.

Thời gian qua, giải pháp được nhiều người dân đồng tình là địa phương phải cho kẻ vạch sơn để người dân và lực lượng kiểm tra dễ dàng giám sát, phát hiện chỗ nào lấn chiếm. Thực tế việc kiểm soát, chống tái chiếm vỉa hè tại thành phố đã cho thấy, cứ khi nào có mặt lực lượng trật tự đô thị, vỉa hè tạm thời thông thoáng. Nhưng ngay khi lực lượng kiểm tra rút đi, tình trạng tái chiếm vỉa hè trở lại như cũ. 

Nhiều chuyên gia về hạ tầng đô thị đã từng khuyến cáo, nhìn lại hành trình giành lại vỉa hè kéo dài hơn 30 năm qua, vỉa hè tại thành phố càng khó giữ khi ngành kinh tế mặt đường sẽ còn tồn tài nhiều năm nữa, nhất là ở một thành phố phát triển về dịch vụ như TP Hồ Chí Minh. Trật tự lòng lề đường chỉ có thể được vãn hồi một cách bền vững khi chính quyền hạn chế, thậm chí là thực hiện thành công việc cấm xe máy, ôtô cá nhân vào nội thành.

Thế nhưng, khi mục đích thu phí là để hạn chế xe ôtô đừng đậu trên đường, từ đó giảm ùn tắc, TNGT cũng như giảm lượng xe cá nhân chạy vào nội thành giờ cao điểm, thì Sở GTVT lại đề xuất mức thu phí tréo ngoe là đậu xe ban ngày chỉ bằng phân nửa ban đêm. Điều này đã khiến dư luận người dân cho rằng đề án chỉ nhằm mục đích thu phí cho ngân sách và việc chính quyền quyết liệt giành lại vỉa hè trước đó chỉ là để đem cho thuê.

Đây cũng là một bài học cho sự nóng vội, hấp tấp từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng đề án liên quan mật thiết đến đời sống xã hội.

Bảo Sơn
.
.
.