TP Hồ Chí Minh và mối lo gần 10 triệu xe máy, ôtô

Thứ Năm, 08/12/2016, 08:27
Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế thành phố: Với chừng 8,5 triệu xe máy và gần 600.000 ôtô như hiện nay, đường sá, cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn chưa đáp ứng kịp sự phát triển của lượng phương tiện tham gia giao thông.

Trước băn khoăn của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vào ngày 7-12 về dự toán thu ngân sách được Trung ương giao gần 348.000 tỷ đồng trong năm 2017; có nghĩa mỗi ngày thành phố phải phấn đấu thu gần 1.000 tỷ đồng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, bà Phan Thị Thắng nhìn nhận, năm nay dù được giao dự toán thu ngân sách rất cao nhưng đến thời điểm này chắc chắn thành phố sẽ hoàn thành nhiệm vụ thu hơn 303.000 tỷ đồng.

Với mức tăng thu lên đến hơn 49.000 tỷ đồng được giao trong năm 2017, Sở Tài chính đã tham mưu cho thành phố nhiều giải pháp để tăng thu ngân sách.

Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện thu một số khoản phí, lệ phí mà trước đây chưa quyết mức thu như phí xử lý chất thải. Ngoài ra, thành phố sẽ cho phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; đẩy mạnh khai thác từ nguồn thu quảng cáo trên  hơn 2.000 xe buýt và rà soát quỹ nhà đất bán đấu giá để tạo nguồn thu…

Đại biểu Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế thành phố cho rằng, vấn nạn kẹt xe đang rất nặng nề và góp phần làm giảm sự phát triển của thành phố. Theo ông Thắng, với chừng 8,5 triệu xe máy và gần 600.000 ôtô như hiện nay, đường sá, cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn chưa đáp ứng kịp sự phát triển của lượng phương tiện tham gia giao thông.

Vì vậy, ông Thắng đề xuất thành phố cần xem xét cơ chế hạn chế nhập xe gắn máy, hạn chế tăng số lượng xe ôtô và cần đưa ra một ngưỡng quá tải xe taxi, ôtô cá nhân là bao nhiêu. Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng muốn hạn chế nhập xe máy, ôtô trước hết thành phố cần phải đầu tư hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại cho số đông dân cư. Khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt, người dân vẫn sẽ giữ thói quen dùng xe cá nhân. Do đó, muốn có lộ trình giảm xe cá nhân, cần phải có thời gian để thực hiện.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng khẳng định ùn tắc giao thông là “điểm nghẽn” số 1 của thành phố. Giải quyết được điểm nghẽn này sẽ tác động, khơi thông nhiều vấn đề khác. Ùn ứ giao thông ngày càng nghiêm trọng hơn, dù thành phố đã đầu tư lớn; làm thêm đường, bắc thêm cầu thì giảm được ùn tắc nhưng chỉ giảm cục bộ từng khu vực. Như vậy vấn đề ùn tắc không hẳn do đầu tư, mà do phương pháp quản lý nhà nước về điều tiết giao thông, quản lý giao thông chưa tốt.

Đ.Thắng
.
.
.