Cục CSGT lên tiếng về số liệu "vênh" giữa máy đo tốc độ và thiết bị giám sát hành trình

Chủ Nhật, 13/05/2018, 10:59
Vừa qua, trên một số báo và mạng xã hội có phản ánh về việc kết quả đo tốc độ do hệ thống camera giám sát giao thông của lực lượng CSGT và thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô là không đồng nhất. Vậy nguyên nhân nào xuất hiện sự không đồng nhất đó? Căn cứ nào để CSGT xử phạt hành vi vi phạm về tốc độ?


Để rộng đường dư luận, Báo Công an nhân dân đã phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, Cục CSGT về vấn đề này.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết,việc lực lượng CSGT sử dụng thiết bị kỹ thuật (hệ thống camera đo tốc độ có ghi hình ảnh) để phát hiện, xử lí vi phạm được quy định thế nào, được kiểm định ra sao? Cơ quan nào kiểm định?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Lực lượng CSGT sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Hệ thống đo tốc độ có ghi hình ảnh hiện đang được lực lượng CSGT sử dụng trên một số tuyến đường quốc lộ, cao tốc được quy định trong danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông quy định tại Nghị định 165/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện theo quy định thông tư số 01/2016/TT-BCA, số 02/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ. 

Các thiết bị camera có tích hợp chức năng đo tốc độ đều được kiểm định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định của Thông tư 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.Do đó kết quả thu được từ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh được sử dụng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Camera giám sát giao thông của lực lượng CSGT.

Như tôi đã nói, việc sử dụng thiết bị nghiệp vụ để phát hiện và xử lí vi phạm đã được quy định trong Luật và Nghị định của Chính phủ. Việc kiểm định do Trung tâm đo Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Đây là cơ quan khoa học, kết quả kiểm định độc lập, không có cách gì để có thể can thiệp vào kết quả kiểm định cũng như kết quả đo lường do thiết bị ghi lại.

Phóng viên: Trên thực tế đang có việc thiết bị kỹ thuật do lực lượng CSGT sử dụng có kết quả khác với thiết bị giám sát hành trình GPS. Theo đồng chí, vì sao có sự khác biệt này?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt để ngành giao thông vận tải quản lý phương tiện, xử lý các hành vi vi phạm về dừng, đỗ, hành trình chạy xe, điểm đầu, điểm cuối của tuyến sai quy định…

Về tính năng, cơ chế hoạt động của hệ thống đo tốc độ có ghi hình và hệ thống giám sát hành trình hoạt động khác nhau. Hệ thống đo tốc độ có ghi hình ảnh được lực lượng CSGT sử dụng là thiết bị chuyên dụng sử dụng sóng âm (nguyên lý radar) hoặc sử dụng sóng ảnh (nguyên lý laser). Máy đo phát sóng đến xe đang chạy và thu về sóng phản xạ để cho ra kết quả chính xác là tốc độ tức thời của xe khi đang di chuyển. Hiện CSGT các nước trên thế giới đều sử dụng thiết bị đo tốc độ theo công nghệ bằng sóng âm hoặc sóng ánh sáng này.

Trong khi đó, tốc độ mà hệ thống giám sát hành trình có được là thông qua việc sử dụng máy thu tín hiệu định vị vệ tinh GPS xác định khoảng cách và thời gian di chuyển của phương tiện giữa 2 điểm để tính trị số trung bình tốc độ phương tiện. 

Mặt khác, độ chính xác của thiết bị phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian xác định vị trí, độ nhạy thu tín hiệu của thiết bị GPS; số lượng vệ tinh mà thiết bị định vị GPS thu được… Thậm chí cả yếu tố thời tiết (mưa, gió lớn…) hay khi phương tiện hoạt động tại khu vực có nhiều nhà cao tầng, cây cối, núi đá, đường hầm cũng ảnh hưởng tới kết quả đo tốc độ, vì tín hiệu bị nhiễu, trễ hoặc mất hoàn toàn.

Như vậy, việc đo tốc độ phương tiện tại một thời điểm khi sử dụng hai hệ thống thiết bị trên có sự khác nhau về cơ sở pháp lý, mục đích sử dụng (máy đo tốc độ dùng để xử phạt, hệ thống giám sát hành trình dùng để quản lý vận tải) và cách đo tốc độ (máy đo tốc độ đo tức thời, hệ thống giám sát hành trình đo tốc độ trung bình).

Phóng viên: Vậy, thiết bị giám sát hành trình có được phép sử dụng để thực hiện xử phạt hành vi vi phạm chạy quá tốc độ hay không, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật:Hệ thống giám sát hành trình GPS không nằm trong danh mục cácphương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ(quy định tại Nghị định 165/NĐ-CP của Chính phủ). Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Như tôi đã nói, thiết bị này được lắp đặt để ngành giao thông vận tải tiến hành quản lý phương tiện, xử lý các hành vi vi phạm về dừng, đỗ, hành trình chạy xe, điểm đầu, điểm cuối của tuyến sai quy định…chứ không được phép dùng trong xử phạt về hành vi vi phạm chạy quá tốc độ.

Do đó,lực lượng CSGT phải thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm việc xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.

Hệ thống giám sát do Bộ Công an đầu tư, trang cấp cho Công an các đơn vị, địa phương đều bảm đảm cơ sở pháp lý để sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. 

Việc sử dụng bước đầu đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; yêu cầu hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên và các biện pháp thủ công của lực lượng Cảnh sát giao thông đang thực hiện. 

Hình ảnh phương tiện vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát đáp ứng đầy đủ các yếu tố pháp lý, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông làm căn cứ cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (hình ảnh vi phạm rõ ràng, đảm bảo chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông).

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.