Sử dụng ôtô công cho thuê bị phạt tới 20 triệu đồng

Thứ Hai, 01/06/2020, 14:10
Đó là nội dung được quy định tại Thông tư số 29/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Thông tư quy định, việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại 

Điều 13 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Riêng đối với cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì việc xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 5-10 triệu đồng.

Cũng theo Thông tư này, hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà tại thời điểm ký hợp đồng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết hoặc thực tế sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không có Quyết định phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của cấp có thẩm quyền.

“Hành vi chiếm đoạt tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP bị xử phạt vi phạm hành chính là việc nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Thông tư nêu rõ. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/6/2020, thay thế Thông tư số  07/2014/TT-BTC ngày 14/1/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP.

Nguyễn Hưng
.
.
.