Sử dụng hoàn toàn xe đạp tham gia giao thông ở Hà Nội là khó khả thi

Thứ Năm, 29/09/2016, 08:46
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia độc lập về giao thông vận tải, cho rằng việc sử dụng xe đạp tham gia giao thông là khó khả thi.

Ngày 28-9, Ủy ban ATGT quốc gia đã tổ chức Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội. Tại hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, đề án hạn chế xe máy tại Hà Nội là đề án đúng đắn, tham gia giao thông không nhất thiết phải đi xe máy trong từng chuyến đi.

Tuy nhiên, ông Hùng mong muốn chính quyền Hà Nội cần có những cân nhắc kỹ lưỡng trước khi vận dụng quyết định nhằm tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Với những khu vực mật độ giao thông lớn thì quy định vận tốc tối đa là 30km, lúc này xe máy và xe đạp đều có.

Giao thông Hà Nội luôn là vấn đề nan giải.

Trong khi đó, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNH MTV Đường sắt Hà Nội khẳng định: “Giao thông ở Hà Nội không có đường dành cho xe đạp nên phải cân nhắc sử dụng xe đạp vào thời điểm nào, sử dụng ở đâu, nếu sử dụng ồ ạt sẽ dẫn tới ùn tắc hơn. Chỉ nên khuyến khích đi xe đạp nhằm chuyển đổi phương thức đi lại để không làm phát sinh thêm chuyến đi không cần thiết”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia độc lập về giao thông vận tải, cho rằng việc sử dụng xe đạp tham gia giao thông là khó khả thi.

“Hiện nay một số ít sử dụng xe đạp nếu có cũng chỉ là dân văn phòng có đời sống cao, còn lại 60-70% người dân vẫn sử dụng xe máy. Người ta không thể đi xe đạp từ ngoại thành vào nội thành để làm việc, không thể sử dụng xe đạp như loại phương tiện chính để đi lại” - ông Thủy nhấn mạnh.

Theo ông Thủy, sớm nhất cũng phải tới năm 2025 - 2030, khi hạ tầng giao thông công cộng đã hoàn thiện hơn, có tàu điện, xe buýt nhanh phát triển thì mới có thể tính tới việc sử dụng xe đạp để tham gia giao thông thường xuyên.

Đề nghị siết chặt cấp phép “xe hợp đồng” lưu thông

Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết, cho đến nay có gần 7.600 xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi đã xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác; trong đó, gần 3.000 xe đã được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi Hà Nội thực hiện việc hạn chế phát triển mới xe taxi nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, việc ồ ạt xin cấp phù hiệu “xe hợp đồng” đã dồn về Thủ đô hoạt động và hiện đang len lỏi vào nội đô đón khách. Việc này không chỉ gây bất bình trong các doanh nghiệp taxi, mà còn đẩy các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh trong bến vào tình trạng hoạt động khó khăn.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, việc gia tăng số lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, hoạt động theo các hình thức này trên địa bàn thành phố là điều đáng quan tâm, đòi hỏi bộ chủ quản cần sớm ban hành quy định quản lý, để đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải và đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian chờ đợi công bố quy định quản lý đối với loại hình này, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm quy định rõ số lượng tối thiểu xe đưa vào kinh doanh Grabtaxi trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu của đề án phát triển taxi đã được phê duyệt.

P.H

Phạm Huyền
.
.
.