Sân bay mùa dịch có phần vắng khách hơn.

Thứ Năm, 05/03/2020, 08:06
Trước bất lợi do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, thị trường hàng không Việt Nam đã ghi nhận sự chuyển động linh hoạt của một số doanh nghiệp với những chiêu kinh doanh kết hợp với ngành du lịch, giảm giá hút khách nhằm hạn chế giảm doanh số.


Phối hợp tung combo du lịch giá rẻ

Điểm qua thị trường giá vé những ngày gần đây có thể thấy, các hãng bay đều đồng loạt giảm giá vé thấp chưa từng có nhằm thu hút khách. Ở hạng phổ thông, thấp kỷ lục có chặng bay được niêm yết với giá 39 ngàn đồng cho chuyến bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng. Giá vé máy bay tuyến Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh của Vietjet Air chỉ còn 299 ngàn đồng.

Trong khi đó, cũng vào thời điểm tháng 3, giá vé của Bamboo Airways là 399 ngàn đồng, Vietnam Airlines là 788 ngàn đồng cho chặng bay này. Chưa dừng lại ở việc giảm giá vé trên một số giờ bay, nhằm tăng cường thu hút du khách đến với các điểm đến nội địa và quốc tế an toàn, Vietnam Airlines liên tiếp triển khai chương trình đồng giá đặc biệt hấp dẫn.

Cụ thể, với chương trình “Đồng giá nội địa”, hơn 30 đường bay nội địa của Vietnam Airlines sẽ mở bán từ nay đến 6-3-2020 mức đồng giá chỉ 199.000 đồng/chiều (giá bao gồm thuế, phí là 589.000 đồng/chiều). Vé được bán rộng rãi trên website, ứng dụng di động, các phòng vé, đại lý chính thức của Vietnam Airlines, áp dụng cho hành trình bay trong thời gian từ ngày 4/9/2020 đến 26/12/2020. 

Cùng đó, trong kế hoạch kích cầu du lịch với thông điệp “Việt Nam an toàn” của Tổng cục Du lịch, trước tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Vietnam Airlines phối hợp phát động chương trình “Chào Mặt Trời” nhằm kêu gọi các doanh nghiệp cùng hợp tác, mang đến cho hành khách trải nghiệm du lịch trọn vẹn và an tâm nhất.

Sân bay mùa dịch có phần vắng khách hơn.

Tham gia chương trình với vai trò là đơn vị tiên phong, Vietnam Airlines mang đến cho hành khách ưu đãi giảm tối đa 50% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người trên các hành trình nội địa khởi hành từ đầu tháng 3 đến 31-5-2020. Vé máy bay được bao gồm trong sản phẩm trọn gói kết hợp giữa dịch vụ hàng không và du lịch do các công ty lữ hành - du lịch phân phối.

Trước đó, Công ty Cổ phần Vinpearl và hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực du lịch – hàng không. Theo thoả thuận, hai doanh nghiệp sẽ phối hợp triển khai các sản phẩm hàng không, giải trí – nghỉ dưỡng, trong đó hành khách sẽ di chuyển bằng máy bay của Bamboo Airways đến các điểm đến du lịch của Vinpearl trên toàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways tiếp tục cùng Vinpearl hợp tác đầu tư và phát triển đường bay nội địa và quốc tế đến các điểm đến của Vinpearl theo hình thức thường lệ và thuê chuyến, hướng đến tăng trưởng du khách quốc tế chủ động từ các thị trường chiến lược của Vinpearl tại Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc.

Cùng thời điểm này, dù ngành hàng không đang gặp khó, song Hàng không Bamboo Airways  vẫn  tung chiêu “hút khách” bằng việc khai trương đường bay mới, trong đó dự kiến thai thác đường bay thẳng đến CH Séc vào ngày 29-3 tới đây. Đồng thời vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa với sân bay Munich (Đức), xúc tiến mở hai đường bay thẳng kết nối Munich - thành phố lớn thứ ba của Đức với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất của Việt Nam.

Dự kiến, hai đường bay thẳng sẽ vận hành vào tháng 7-2020, tần suất dự kiến 1 chuyến khứ hồi/ tuần đối với đường bay Hà Nội - Munich, 2 chuyến khứ hồi/tuần đối với đường bay TP Hồ Chí Minh - Munich.

Chưa bao giờ ngành hàng không gắn kết như bây giờ

Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Định Việt Thắng khi nói về khó khăn của ngành hàng không từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo Cục trưởng, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT phương án giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong 3 tháng kể từ 1/3/2020; miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng từ 1/3/2020. Phương án này giúp các hãng hàng không giảm tổng chi phí khoảng 1.918 tỉ đồng gồm 204 tỉ đồng từ chính sách giảm giá dịch vụ và 1.714 tỉ đồng từ miễn thuế. Nếu áp dụng chính sách trên nhưng chỉ giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng từ 1-3, các hãng hàng không giảm chi phí khoảng 1.061 tỉ đồng, trong đó có 857 tỉ đồng từ thuế nhiên liệu.

Trước đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dù khó khăn do hàng hoạt đường bay đến đây ngừng khai thác nhưng vẫn kiến nghị Bộ GTVT cho đơn vị này giảm giá cho thuê mặt bằng sân bay thấp hơn khung giá mà Bộ GTVT quy định (giá này không thu nộp ngân sách mà sân bay hưởng) để hỗ trợ các hãng.

Ngoài sân bay Vân Đồn, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) cũng sẽ sớm họp thống nhất giảm các giá, phí dịch vụ này mà đơn vị cung cấp cho các hãng hàng không. Các đơn vị suất ăn, xăng dầu đã giảm phí trong thẩm quyền của mình cho các hãng hàng không và cho các hãng trả tiền dịch vụ chậm so với quy định.

Theo ông Thắng với diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài các hãng hàng không, các sân bay của ACV, sân bay Vân Đồn, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giảm các chuyến bay. Trong khi đó một số hãng hàng không đề nghị chậm thanh toán gần 30 tỉ đồng tiền dịch vụ điều hành bay cho Tổng Công ty Quản lý bay.

Đặng Nhật
.
.
.