Xung quanh đề xuất xây nhà ga Hà Nội cao 40-70 tầng:

Quy hoạch sau “đá” quy hoạch trước?

Thứ Ba, 19/09/2017, 07:54
Mặc dù văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận đã được UBND TP Hà Nội gửi đi từ tuần trước nhưng ngày 18-9, khi phóng viên Báo CAND liên hệ với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Xây dựng để hỏi ý kiến về đồ án này thì đều bị từ chối với lý do “chưa nhận được”.

Trong khi đó, các chuyên gia về giao thông đô thị, kiến trúc sư có kinh nghiệm lâu năm trong nghề đều cho rằng đồ án “có vấn đề” khi đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội với chức năng ga trung tâm tàu khách cùng một số công trình cao từ 40-70 tầng…

Tháng 4- 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. 

Theo quy chế này, xung quanh ga Hà Nội là khu vực điểm nhấn đô thị nên khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố, đảm bảo các điều kiện phù hợp với quy hoạch phân khu ga Hà Nội, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ. 

Quy chế cũng nêu rõ khu vực này được xây dựng tối đa 18 tầng (tương đương 65m). Đồng thời, các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội. 

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội. 

Việc đề xuất xây lại ga Hà Nội đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tuy nhiên,  đồ án quy hoạch mới đây, cũng do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, lại đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) tại khu vực ga Hà Nội.

Nhận định về vấn đề này, kiến trúc sư Trần Huy Ánh đặt câu hỏi lửng: “Không rõ thành phố Hà Nội cần bất động sản hơn hay một thành phố phát triển bền vững hơn?!”.  

Theo ông Ánh, khi thành phố đã đưa ra quy định thì nên thực hiện, để người dân tin tưởng vào các chính sách sáng suốt, có tầm nhìn; việc nay đặt điều kiện thế này, mai lại thay đổi nó thế kia sẽ làm cho người thực hiện trong tư thế bất ổn, bất an. 

Ông Ánh cho rằng việc phát triển ga Hà Nội theo một hướng tái xây dựng được đặt trong một quần thể chung là đúng vì sẽ giúp tăng cường năng lực giao thông ở trong thành phố, không những là nguồn lực phát triển giao thông, mà còn kết hợp việc nâng cấp hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, cái mà người dân băn khoăn là cơ hội chuyển đổi này có thực sự mang lại lợi ích cho xã hội không, hay việc đưa ra một khung phát triển không gian như vậy chỉ mang lại lợi ích cho những người đầu cơ bất động sản? 

Cho nên, đi cùng với các chỉ tiêu kỹ thuật, thì thường đồ án quy hoạch phải công bố luôn chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, mang lại lợi gì, ai được hưởng lợi.

“Ở đây, tôi chưa bàn đến vấn đề của những khu nhà cao thấp, tôi muốn nói đến vấn đề tiếp cận đô thị. Việc phát triển không gian như thế sẽ mang lại sự phát triển kinh tế- xã hội. Vậy về mặt kinh tế thì tầng lớp nào được hưởng lợi, nếu chỉ là một nhóm người thì đương nhiên cả xã hội không thể đồng tình. Do đó làm gì cũng cần phải đảm bảo giá trị kiến trúc, di sản và cảnh quan chung của toàn thành phố”, ông Ánh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng: "Công trình ga Hà Nội là di sản, nằm trong danh sách bảo tồn nên phải giữ nguyên trạng, không được phá bỏ và xây mới".

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trong quy hoạch giao thông được Chính phủ phê duyệt năm 2016, ga Hà Nội đóng vai trò là ga trung tâm, đầu mối giao thông cho đường sắt quốc gia và nội đô, nên các quy hoạch sau không được điều chỉnh công năng. Vấn đề khác mà ông Nghiêm lo ngại là đồ án quy hoạch xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng. Hiện toàn thành phố đã có trên 300 nhà cao tầng, trong đó hơn 100 chung cư khiến dân số vượt quy hoạch. 

Trước đó, Hà Nội đã có quy định kiến trúc trên tuyến đường qua ga Hà Nội, từ phố Cửa Nam đến phố Khâm Thiên, do vậy muốn xây nhà cao tầng ở đây thì phải sửa đổi quy định này. 

Cũng theo ông Nghiêm, khu vực đường Trần Quý Cáp (phía sau ga Hà Nội, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám) nếu xây dựng nhà cao tầng có thể ảnh hưởng cảnh quan khu vực Hồ Văn, Quốc Tử Giám. Vì vậy biện pháp thích hợp là cải tạo, chỉnh trang song chỉ nên xây các công trình dưới 9 tầng.

Trước thông tin đồ án quy hoạch trên diện tích 98ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người), ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích, mục tiêu của Hà Nội là phải giảm dân số nội đô. 

Theo quy hoạch thì cần giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân trong 4 quận nội đô lịch sử, do vậy Hà Nội cần nghiêm túc giảm dân số thì mới thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt không được tăng thêm hoặc giữ nguyên dân số so với trước.

"Đồ án quy hoạch lý tưởng nhất là giãn người dân sống trong khu vực quy hoạch ra ngoài, để dành đất cho không gian xanh, công trình công cộng vì dân số đang là thách thức của nội đô Hà Nội", ông Nghiêm nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo CAND, ngoài các tuyến đường giao thông tuân thủ theo đồ án quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô như phố Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Trần Quý Cáp, Ngô Sỹ Liên... để đảm bảo kết nối giao thông, tăng các chỉ tiêu về mật độ mạng lưới đường, tỷ trọng đất giao thông tương ứng với quy mô dân số, hỗ trợ giao thông toàn khu vực xung quanh, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận đã đề xuất xây dựng mới 5 đoạn tuyến quy hoạch gồm đoạn nối phố Ngô Sỹ Liên với đường Hoàng Diệu, đoạn nắn chỉnh hướng tuyến ngõ Văn Chương, đoạn kéo dài phố Trần Quý Cáp đến Nguyễn Thái Học, đoạn kết nối phố Quốc Tử Giám với Lý Thường Kiệt, đoạn kéo dài phố Nguyễn Du đến ngõ Văn Chương. 

Liên quan đến giao thông và không gian ngầm, quy hoạch mạng lưới không gian ngầm bao gồm 3 tầng (tầng 1 chiều sâu khoảng 3m bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm; tầng 2 chiều sâu 7m, bố trí mạng lưới giao thông đi bộ ngầm; tầng 3 chiều sâu 11m bố trí mạng lưới giao thông và không gian đỗ xe ngầm).

Việc quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe ngầm bên dưới các tòa nhà, xung quanh nhà ga, quảng trường của ga; xây dựng các tuyến đường ngầm kết nối bãi đỗ xe ngầm theo hướng Đông, Tây đến khu đất ga Hà Nội, giữa các tuyến này có liên kết ngầm với nhau. Tổng diện tích khai thác không gian ngầm của khu vực ga Hà Nội khoảng 345.080m2 (34,5ha).

Ngoài ra, đồ án cũng đã nghiên cứu xác định đồng thời 2 phương thức bố trí hệ thống đỗ xe du lịch cỡ lớn để giải quyết nhu cầu đỗ xe, cải thiện tình hình giao thông trong khu vực. 

Cụ thể, phương thức 1 xây dựng bến xe du lịch với quy mô khoảng 20 xe tại khu vực tái thiết đô thị phía Nam khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Khách du lịch sẽ đi bộ từ bãi xe qua mạng lưới giao thông ngầm đến khu di tích tham quan.

Phương án 2, xây dựng điểm dừng xe tiếp giáp với khu Văn Miếu đón trả khách tham quan, sau đó xe sẽ về đỗ trong các bãi đỗ xe công cộng trong ga Hà Nội thông qua tuyến phố Quốc Tử Giám-Lý Thường Kiệt-Trần Qúy Cáp.

Đặng Nhật
.
.
.