Quốc lộ quá hạn sửa chữa định kỳ do thiếu vốn

Thứ Sáu, 15/01/2021, 07:46
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Cường, công tác quản lý, bảo trì đường bộ toàn hệ thống quốc lộ đã góp phần bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong năm 2020...


Việc bảo đảm an toàn giao thông được quan tâm thực hiện, kịp thời xóa bỏ 100% điểm đen và xử lý nhiều điểm tiềm ẩn giao thông trên quốc lộ, góp phần giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.

Đặc biệt, việc kiểm soát tải trọng xe đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công hệ thống cân tự động tại Km78, quốc lộ 5 và đã đưa vào thí điểm xử phạt gián tiếp từ ngày 15/8/2020, đạt hiệu quả cao, giảm chi phí đầu tư và hoạt động, kiểm soát được 100% xe quá tải, ngăn chặn tiêu cực.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 và thiên tai, bão lũ, Tổng cục vẫn hoàn thành 100% công tác giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 và vượt kế hoạch về công tác quyết toán dự hoàn thành. Tuy nhiên, vị Phó Tổng cục trưởng cũng thừa nhận còn một số khó khăn, đặc biệt là nhu cầu vốn phục vụ bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2016-2020 là 100.221 tỉ đồng nhưng hiện Ngân sách Nhà nước mới cấp 43.138 tỉ đồng (đáp ứng 43% nhu cầu).

Căn cứ vào thời gian sửa chữa định kỳ kết cấu áo đường theo quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BGTVT, vẫn còn đến 62% tổng chiều dài hệ thống quốc lộ đã quá thời gian sửa chữa định kỳ, tương đương 15.151km, trong đó 9.983km quá thời hạn trung tu và 5.168km quá thời hạn đại tu chưa được thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định do hạn chế về vốn. Điều đó dẫn đến khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng và an toàn giao thông các quốc lộ theo tiêu chuẩn thiết kế; ảnh hưởng đến “tuổi thọ” và khả năng khai thác của công trình.

Năm 2021, vốn bảo trì được thông báo là 9.986 tỉ đồng, Tổng cục đã chủ động cân đối, hoàn thành xây dựng kế hoạch bảo trì và dự toán chi phù hợp với nguồn vốn được cấp.

Đặng Nhật
.
.
.