Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Băn khoăn liệu có phí chồng phí?

Chủ Nhật, 30/12/2018, 22:46
Trước đề xuất mới đây về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính, nhiều bộ ngành và dư luận đã có ý kiến trái chiều. Trong đó, những băn khoăn tập trung nhất là đối tượng nào phải chịu phí, mức thu, cách thức tính phí, quản lý và sử dụng… bởi, xăng dầu đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường lên tới 4.000 đồng/lít.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho TP thực hiện đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030", ngoài nội dung thu phí xe vào nội đô, TP Hà Nội còn đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng sự gia tăng của phương tiện giao thông "đã ở mức báo động". Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe máy. Đến năm 2030 thì số ôtô là hơn 1,9 triệu, còn xe máy là hơn 7,5 triệu chiếc. Vì vậy, UBND TP Hà Nội khẳng định việc quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm "là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông cũ, phát thải cao" và hết sức cần thiết.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị chức năng đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Tuy nhiên, đề xuất này đang có những ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan chức năng và dư luận. Những người ủng hộ cũng đưa ra những lý do thuyết phục.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải không phải mới, các nước châu Âu có 5-6 mức quy định xe nào phát thải nhiều sẽ nộp phí lớn nhưng hiện nay nước ta đã thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nên nếu thu phí khí thải phải giải bài toán tổng thể về mức phát thải.

Thu thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải liệu có hạn chế được ô nhiễm?

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm đã và đang xây dựng và sẽ ban hành đầu vào năm 2019 này về mức phát thải quy định có 3 mức tương ứng với các loại xe chia theo niên hạn trước năm 1999, phương tiện từ năm 1999 đến nay và xe sản xuất lắp ráp nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn EURO 4.

Ông Trí phân tích, riêng ôtô đã có kiểm định khí thải qua các Trung tâm Đăng kiểm và dễ dàng xác định mức khí phát thải nếu chia theo niên hạn. Nhưng với xe máy thì chưa có kiểm định khí thải, do đó, Nhà nước phải sửa Luật Giao thông đường bộ mới đưa xe máy vào diện hiện thực hóa thu phí bảo vệ môi trường với khí thải và nhanh nhất cũng phải 3-4 năm nữa.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định: “Quan điểm của Cục Đăng kiểm đồng tình phụ thu phí bảo vệ môi trường với khí thải bởi nếu xe có khí thải kém phải nộp thêm phí hoặc không được vào vùng lõi thành phố như các tuyến đường vành đai 1, 2 của Hà Nội. Ngoài ra, xe có khí thải kém thì chu kỳ kiểm định phải rút ngắn, mục đích là dùng biện pháp kỹ thuật và môi trường kiểm soát để cho chủ xe phải nâng cấp phương tiện”.

Mặc dù vậy, ông Trí cũng cho rằng, bản chất của phí bảo vệ môi trường với khí thải là phụ thu và mức phụ thu như thế nào để người dân chấp nhận được vẫn là câu hỏi khó và cần tính toán kỹ lưỡng.

Mặc dù chung một bộ chủ quản nhưng không chung quan điểm với Cục Đăng kiểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại kiến nghị Bộ GTVT không đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính. Cụ thể, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, sau khi nghiên cứu, Tổng cục thấy xăng, dầu, mỡ nhờn là đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường do khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Tháng 9-2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể cho xăng, dầu, mỡ nhờn. Như vậy, hiện nay tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ, hàng không, hàng hải và đường thuỷ khi lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường thông qua tiền thuế bảo vệ môi trường khi mua xăng, dầu, mỡ nhờn.

Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề xuất không thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các phương tiện giao thông vận tải, tránh hiện tượng phí chồng phí.

Chi Linh
.
.
.