Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán Ất Mùi:

Phạt nặng người uống rượu, bia điều khiển ôtô, xe máy

Thứ Sáu, 06/02/2015, 10:23
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia tại cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia. Cũng tại đây, nhiều biện pháp ngăn gia tăng tai nạn và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong dịp Tết đã được liên ngành Công an, Giao thông đề xuất.

Báo cáo về công tác ATGT tháng 1/2015, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, TNGT tiếp tục giảm sâu cả ba tiêu chí. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi tiếp tục duy trì nhịp kéo giảm trong cả năm 2014. Tháng 1/2015 so với cùng kỳ năm 2014 giảm 208 vụ, giảm 119 người chết và giảm 155 người bị thương. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số thành phố lớn có xu hướng tăng, đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 1/2015, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể là tại 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lai Châu, Cao Bằng (làm chết 13 người, bị thương 12 người).

Để đảm bảo ATGT dịp Tết Ất Mùi, thời gian qua Ủy ban ATGT Quốc gia đã lập hai đoàn công tác đôn đốc việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2015 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thanh tra Bộ GTVT triển khai tổng số 11 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác bán vé tàu Tết, hoạt động kinh doanh vận tải...

CSGT hướng dẫn người dân trước khi kiểm tra nồng độ cồn.

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng, công tác đảm bảo trật tự ATGT đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, chỉ trong mấy ngày cuối tháng đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cho thấy, vẫn tiểm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT. Hiện nay, giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất phức tạp, do đó cần phải đẩy mạnh hơn công tác đảm bảo ATGT vì dịp Tết, nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao. Việc xử lý vi phạm cần tập trung đối với chủ phương tiện, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, người lái xe. “Kinh tế có chuyển biến, nhu cầu đi lại chúc Tết, lễ hội chắc chắn sẽ tăng lên. Vì vậy, công tác bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng cũng phải tăng và siết chặt hơn”, ông Nghị đề xuất.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc thực hiện cao điểm TTKS trong tháng 1-2015. Theo đó, đã xử lý vi phạm trên 500 ngàn trường hợp, tạm giữ 300 ngàn môtô, xe gắn máy và 20 ngàn xe ôtô. Đây có thể coi là số lượng xử lý kỷ lục. Để bảo đảm ATGT dịp Tết năm nay, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT đề xuất: “Thanh tra Bộ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT công bố thêm các đường dây nóng về trật tự ATGT dịp Tết. Theo đó, ngoài đường dây nóng tại Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT sẽ có thêm đường dây nóng của lãnh đạo các tỉnh. Đặc biệt, sẽ có chế độ phân công, phân nhiệm rõ ràng để tạo sự đồng bộ trong kiểm soát an toàn, an ninh”.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đề nghị Bộ Công an phối hợp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời đề nghị Bộ Công an chỉ đạo tăng cường kiểm tra, tuần tra, phạt nặng những trường hợp uống rượu, bia lái xe dịp Tết. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công hợp lý trong dịp Tết; Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương kiểm tra ngay bằng thiết bị giám sát hành trình và có kết nối với các bộ, ngành để xử phạt qua hình ảnh; Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp ngay danh sách ôtô hết niên hạn sử dụng cho Bộ Công an để làm căn cứ kiểm tra, xử lý; Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thông tin cần phải cập nhật hàng ngày và có so sánh với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng cũng yêu cầu với những trường hợp xe quá tải phá hàng rào trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhằm trốn tránh cơ quan chức năng cần phải bị xử lý hình sự tội phá hoại tài sản Nhà nước.

Hà Nội: Xử lý gần 700 tài xế vi phạm

Ngày 5/2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong đợt 2 ra quân xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (từ 15/1 đến 30/1), cơ quan chức năng đã xử phạt 212 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 320 triệu đồng.

Tất cả các trường hợp trên đều tạm giữ phương tiện, tùy theo mức độ vi phạm có số ngày tương ứng. Trong số trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng xử lý trong đợt ra quân này phần lớn là người điều khiển môtô (203 trường hợp), còn lại là ôtô (9 trường hợp). Trước đó, từ ngày 15/12 đến 31/12/2014, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã triển khai đợt ra quân 1, xử phạt 464 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 754 triệu đồng. Như vậy, sau 30 ngày của 2 đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, Công an Hà Nội đã xử phạt tổng cộng 676 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 1 tỷ đồng.

Đặng Nhật
.
.
.