Phát hiện nhiều lỗi trong hệ thống thu phí Trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang

Thứ Bảy, 11/02/2017, 07:58
Qua công tác kiểm tra, giám sát thu phí đối với trạm thu phí Km152+080 QL1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ ra nhiều lỗi và yêu cầu doanh nghiệp quản lý dự án sớm khắc phục.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm thu phí Km152+080 QL1 dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang quản lý và khai thác. Tổng cục Đường bộ cũng đã chỉ ra nhiều lỗi và yêu cầu doanh nghiệp quản lý dự án sớm khắc phục.

Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Cụ thể, số thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát 10 ngày là 10,99 tỷ đồng, bình quân 1,099 tỷ đồng/ngày, tăng 8,27% (tương đương 84 triệu đồng) so với mức bình quân ngày của 6 tháng trước đó (1,015 tỷ đồng).

Về công nghệ thu phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ ra rằng, thời gian kiểm tra, giám sát hệ thống thu phí một dừng tại trạm hoạt động chưa ổn định còn tồn tại nhiều lỗi: Các máy tính tại làn có lúc bị treo, nhân viên thường phải khởi động lại phần mềm; hệ thống vòng từ có lúc không nhận ra những xe container gầm cao và xe máy (khi một xe container gầm cao đi qua được tính là hai xe nối đuôi), các trường hợp như vậy được xác định là xe vượt trạm; các xe máy đi chung với làn xe ôtô và các xe container gầm cao bị nhận dạng hai lần; có hiện trạng truyền dữ liệu bị trễ và phần mềm giám sát hậu kiểm còn hiển thị chồng ghép dữ liệu; hình ảnh và video lưu giữ tại trạm còn ít…

Căn cứ kết quả giám sát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu, doanh nghiệp quản lý dự án khắc phục tình trạng để nhân viên phải mở cưỡng bức khi không nhận diện được vé; phần mềm tại các máy tính làn thu phí bị treo, truyền dữ liệu từ máy tính tại nhà điều hành đến các máy tính tại cổng trạm bị trễ; vòng từ nhận dạng không đúng vé để hệ thống ghi xe vượt trạm; tăng cường kiểm tra công tác thu phí để việc thu phí được công khai, minh bạch; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí không dừng để sớm đưa vào sử dụng, phục vụ công tác thu phí; tăng dung lượng ổ cứng để đảm bảo việc lưu trữ video giám sát làn với thời gian tối thiểu 1 năm.

Đặc biệt, “doanh nghiệp dự án phải báo cáo giải trình sự chênh lệch về mức thu bình quân của 10 ngày kiểm tra, giám sát tăng 8,27% so với mức thu bình quân ngày của 6 tháng trước đó”.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng do liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Công ty CP Tập đoàn Đại Dương - Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Đầu tư và Thương mại 319 là nhà đầu tư.

Một vấn đề bất cập phát sinh là trong dự án không bố trí xây dựng đường gom đoạn quốc lộ 1 qua Bắc Ninh dài hơn 20km, vì theo tính toán trước đây, dự án quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang có lưu lượng phương tiện chỉ 24.000 xe mỗi ngày, song thực tế tăng lên 27.000-29.000 xe nên cần bổ sung đường gom hai bên theo nhu cầu của người dân và đảm bảo an toàn.

Sau nhiều lần địa phương gửi kiến nghị, cuối năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư BOT khảo sát, xây dựng đường gom với tổng đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng để giảm giao cắt với quốc lộ 1. Sau khi có đường gom đoạn Bắc Ninh, xe máy sẽ bị cấm đi trên quốc lộ 1.

Phạm Huyền
.
.
.