Tốn tiền tỷ làm mới vỉa hè tại Hà Nội vì “hiểu sai chỉ đạo”:

Phải đền bù hay chỉ phê bình?

Thứ Sáu, 24/11/2017, 08:12
Dư luận Hà Nội đang nóng lên với việc nhiều quận huyện hiểu sai chỉ đạo của thành phố, nhiều tuyến vỉa hè còn nguyên vẹn lại ồ ạt lật lên lát mới, lãng phí tiền tỷ trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, còn nhiều nơi cần đầu tư. Vậy, “hiểu sai” dẫn tới làm sai thì có phải đền bù hay chỉ phê bình như nhiều vụ việc khác đã xảy ra.


Ngày 23-11, sau 3 ngày có thông tin nhiều quận, huyện của Hà Nội hiểu sai chỉ đạo của thành phố ồ ạt lật vỉa hè còn nguyên vẹn lên lát mới, chúng tôi có mặt ở một số tuyến phố đã và đang lát đá xanh. Phố Nguyễn Du nhiều đoạn đang lát vỉa hè không thấy công nhân thi công, đá xanh được xếp ngổn ngang trên hè phố.

Một người dân sinh sống ở đây cho hay, vỉa hè cũ vẫn đẹp, đi lại tốt, không cần thiết phải lật lên lát mới, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Tương tự, tuyến phố Bà Triệu, Quang Trung, Trần Phú người dân cũng cho biết, vỉa hè cũ còn mới, nguyên vẹn, không hiểu tại sao lại phải cậy lên lát mới. Việc thay đổi này lãng phí là một chuyện, còn gây khó khăn cho người dân sinh hoạt ở trên khu vực này.

Vỉa hè trên phố Nguyễn Du đang ngổn ngang lát đá xanh.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ có hơn 930 tuyến phố trên 12 quận nội thành được lát đá xanh. Năm 2017, hàng loạt tuyến phố ở Hà Nội ồ ạt bị lật lên để lát đá xanh. Theo ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc thay thế gạch vỉa hè bằng đá xanh là một trong những chủ trương của Hà Nội nhằm thực hiện năm văn minh đô thị. Nhưng do một số quận, huyện hiểu sai dẫn đến những nơi vỉa hè còn tốt lại lật lên thay thế bằng vật liệu mới. Sau khi phát hiện việc này, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện không được phép thay thế gạch lát vỉa hè bằng đá xanh nếu chất lượng vỉa hè còn tốt.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc “tuýt còi” của thành phố nữa mà lý do cho việc ồ ạt vỉa hè thay thế gạch bằng đá xanh là “hiểu sai” văn bản này liệu có thể chấp nhận được? Phải biết rằng, mỗi mét vuông đá xanh có đơn giá 500.000đ, nếu nhân lên thì là một con số khổng lồ, là sự lãng phí nghiêm trọng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, khi Hà Nội còn nhiều nơi cần đầu tư.

“Một lớp học ở nội thành lên tới 60 học sinh, thiếu trường thiếu lớp khiến cuộc thi vào cấp 3 của các cháu chọi hơn cả thi đại học thì lại không đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu mà lại tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng để thay mới vỉa hè không cần thiết. Việc này phải quy rõ trách nhiệm cho cá nhân và phải xử lý chứ không thể nói chung chung như hiện nay” – ông Trần Văn Thắng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa nêu ý kiến.

Nhiều người cho rằng việc “hiểu sai” này có vẻ vụng về hoặc đây là một sự cố ý “hiểu nhầm” ý kiến chỉ đạo của thành phố. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển cho rằng, hiện nay có không ít văn bản không rõ nghĩa. Có thể các văn bản pháp luật chỉ đạo đúng và hiểu đúng, nhưng người ta hoàn toàn có thể hiểu sai và cố tình hiểu sai nếu văn bản không dứt khoát, rõ ràng thì người ta sẽ diễn đạt văn bản đó có lợi cho mình.

PGS.TS Phạm Bích San cho rằng chúng ta có bệnh thích xài sang, ai cũng muốn vỉa hè tốt và đẹp, nhưng chúng ta chưa có nhiều tiền để làm việc đó. Có rất nhiều việc cần phải làm nhưng lại không làm mà chỉ cái gì tiện lợi thì làm. Nếu xây dựng bệnh viện, trường học thì phải suy tư rất nhiều, trong khi vỉa hè thì ai làm cũng được. Chính vì vậy mà vỉa hè Hà Nội hiện còn lộn xộn, người dân thì bất an khi chốc chốc vỉa hè lại bị đào để làm đường điện, đường nước, đường dây cáp khiến đường phố không ổn định.

Theo PGS.TS Phạm Bích San thì việc hiểu sai dẫn tới hàng loạt tuyến phố lát lại vỉa hè bằng đá xanh cần phải quy được trách nhiệm một số cá nhân làm sai như “làm sai thì phải trả lại tiền”, không chỉ là nói suông, nói xong rồi bỏ đó.

“Tôi đang chờ đợi Luật phòng chống tham nhũng của Quốc hội được thông qua như thế nào, câu chuyện ở đây rõ ràng là một dạng của tham nhũng và cần được xử lý thích đáng. Nếu không có một bộ quy chuẩn đạo đức tốt và không có một bộ luật tốt thì mọi người vẫn còn mập mờ trong chuyện này, không thể nào là trách nhiệm tập thể chung chung được và cá nhân phải chịu trách nhiệm việc này, nếu cá nhân không chịu trách nhiệm được thì nên nhường cho người khác làm” – ông San cho biết.

Để chấm dứt việc lãng phí tiền công khai như hiện nay, theo ông Phạm Bích San thì cần phải có giải pháp để làm sao những khoản chi tiêu công cần phải được chi tiêu một cách cẩn thận, nghiêm túc. Lợi ích đằng sau các dự án lớn cần phải được giám sát, nếu giám sát tốt thì mọi việc sẽ được thực thi chuẩn chỉnh bởi chúng ta phải quản lý đô thị theo kiểu hiện đại, có chi tiêu hợp lý, có sự giám sát của các tổ chức xã hội.

Trần Hằng
.
.
.