Sự cố Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất bị sóng lạ 'đè':

Những phát biểu thiếu thuyết phục của đại diện Cục Hàng không

Chủ Nhật, 21/06/2015, 08:45
Đến nay sự cố Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất bị gián đoạn điều hành do nhiễu sóng điều khiển không lưu vào sáng 16/6 vẫn chưa được Cục Hàng không và Tổng Công ty bay Việt Nam công bố công khai nguyên nhân.
>> Sóng lạ đè, gây nhiễu sóng, gián đoạn kiểm soát không lưu tại Tân Sơn Nhất

Trước sự cố được cho là uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn bay trên, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học thành phố đã lên tiếng phản bác về vấn đề này.

Dựa vào nguyên lý hoạt động, TS Bách Phúc khẳng định, các dải tần số vô tuyến điện đã được Cục Quản lý tần số quản lý chặt chẽ; phân chia một cách khoa học sao cho các dải tần số của các ứng dụng không chồng chéo, xâm phạm lẫn nhau và sự phân chia này có hiệu lực pháp luật. Khoảng cách giữa dải tần của hai ứng dụng khác nhau đủ lớn để khó có thể xảy ra sự cố chồng chéo. Dải tần số của sóng phát thanh, sóng truyền hình, sóng truyền số liệu hay của sóng điều khiển tên lửa… đều có khoảng cách nhất định. 

Do đó, khi nói đài kiểm soát không lưu bị một nguồn sóng lạ “đè” lên, có thể hiểu nguyên nhân xuất phát từ một trong hai khả năng hoặc là ngẫu nhiên hoặc cố ý. Nếu nguồn sóng lạ là ngẫu nhiên, có thể do một sự cố nghiêm trọng xảy ra ở các thiết bị điện, năng lượng, hoặc các máy phát sóng của một ứng dụng khác đang hoạt động trong khu vực. Nguyên do, hằng ngày các thiết bị này vẫn làm việc bình thường nên không gây ra sóng lạ, chỉ khi bị sự cố mới có khả năng phát ra sóng lạ. 

Trường hợp ngẫu nhiên nữa là sự cố xảy ra tại chính nguồn phát sóng của đài điều khiển không lưu. Sự cố khiến máy phát phát ra một nguồn sóng lạ, khác với nguồn sóng bình thường của mình. Song cách giải thích với trường hợp này không có sức thuyết phục, bởi tại sao sóng lạ chỉ “đè” có 18 phút; chẳng lẽ máy phát sóng của đài điều khiển không lưu chỉ bị sự cố có 18 phút, rồi tự khôi phục lại như bình thường? 

Còn nếu nguồn sóng lạ là cố ý, điều này chỉ xảy ra khi có hành động cố tình phá hoại. Với sự cố này, Cục Quản lý tần số hoàn toàn có khả năng phát hiện chính xác nguồn sóng lạ phát ra từ đâu.

Trước giải thích của người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm, TS Phúc cho rằng có lẽ Cục trưởng Cục Hàng không không phải là “dân” viễn thông, nên lời giải thích khá ngộ nghĩnh: “Khi chuyển sang tần số dự bị, thì về mặt khối lượng cung cấp dịch vụ không bằng được tần số bình thường”. Thực ra, “khối lượng cung cấp dịch vụ” ở đây phụ thuộc trình độ của thiết bị, của công nghệ, của năng lực điều hành, chứ hoàn toàn không phụ thuộc tần số sóng điều hành chính thức hay dự bị. 

Mặt khác, cũng có thể khẳng định rằng Cục trưởng Cục Hàng không đã nói sai qua chính những thông tin đã được vị này phát biểu: “Nếu như lúc bình thường đài kiểm soát không lưu điều hành được 10 chuyến bay, nhưng với tần số dự bị thì chỉ điều hành được 7 chuyến, còn 3 chuyến phải bay chờ”.  Nghĩa là năng lực của tần số dự bị chỉ bằng 70% năng lực của tần số bình thường. Nhưng thực tế trong 18 phút xảy ra sự cố, đã có 6 máy bay phải bay lòng vòng và 1 máy bay đã phải hạ cánh ở sân bay khác, tổng cộng có đến 7 máy bay không điều khiển được. 

Trong khi đó, theo lời đại diện Cục Hàng không đã phát biểu trước đây, bình thường trong 1 giờ đài không lưu này sẽ điều khiển cho 29 chuyến bay cất hạ cánh. Nên trong vòng 18 phút Đài kiểm soát không lưu TSN có khả năng điều khiển khoảng 9 máy bay lên xuống. Như vậy tần số dự bị của đài kiểm soát không lưu ít nhất không điều hành được 7 chuyến so với 9 chuyến của tần số bình thường, quá thấp so với năng lực 70% như đại diện Cục Hàng không khẳng định.

TS Phúc đặt vấn đề: Mất tần số, mất điều khiển gây tê liệt hoạt động cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, phi công phải tự quyết định đáp xuống sân bay dự bị hoặc phải quay lại nơi cất cánh gây rối loạn hoạt động bay. Nhưng lãnh đạo Cục Hàng không lại phát biểu rằng “sự cố mất tần số là không nguy hiểm”, thì xem ra lời phát biểu này nghe có vẻ rất thiếu thuyết phục.

Đ.Thắng
.
.
.