Nhiều container cũ nát thuê phụ tùng để đăng kiểm gây mất ATGT

Thứ Năm, 27/11/2014, 21:09
Trên địa bàn Hải Phòng hiện có trên 6.000 xe container đăng ký lưu hành và khoảng 1.000 xe đăng ký ở các địa phương khác đang hoạt động. Trong số các xe đang hoạt động có nhiều xe cũ nát, trang thiết bị không đảm bảo an toàn gây TNGT… Tiếp đó, sự “tiếp tay” của nhiều điểm sửa chữa xe và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe container đã khiến tình trạng mất ATGT ngày càng diễn biến phức tạp, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Khi “hung thần xa lộ” mất lái

Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có hàng trăm điểm trên hệ thống cầu đường bị các phương tiện giao thông đâm va, gây hư hỏng. Ngành GTVT Hải Phòng phải liên tục sửa chữa rào chắn do xe container đâm đổ. Với cầu bị hư hỏng nặng, ngành GTVT buộc phải cấm cầu để bảo đảm an toàn nhưng lại gây ách tắc giao thông. Do xe container thường gây ra các vụ va chạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng nên phương tiện này được mệnh danh là “hung thần xa lộ”. Theo Ban ATGT thành phố Hải Phòng, có tới 50-60% số vụ TNGT liên quan đến ô tô là do xe container gây ra, trong đó phần lớn liên quan đến xe mất lái. Theo quy định, giữa 2 chu kỳ đăng kiểm, chủ xe phải có trách nhiệm bảo quản phương tiện. Nguyên nhân dẫn đến xe mất lái thường xảy ra ở 3 trường hợp gồm: trình độ lái xe kém, điều kiện kỹ thuật của xe kém và hạ tầng giao thông kém. Hiện nay, do chất lượng hạ tầng kỹ thuật giao thông ngày càng được cải thiện tốt hơn nên đã hạn chế tối đa khả năng xe mất lái.  Do đó, chỉ còn 2 nguyên nhân chính là do lái xe và tình trạng kỹ thuật của xe.

Theo Phòng CSGT đường bộ- đường sắt, Công an TP Hải Phòng, qua các đợt kiểm tra theo kế hoạch, trong số hàng trăm xe container bị lập biên bản vi phạm trật tự ATGT có tới 50% liên quan đến lỗi kỹ thuật của xe. Khi kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện những chiếc xe lắp lốp bị mài gần hết ta-lông vẫn “vô tư” lưu thông trên đường. Được biết, việc xe container lắp lốp mòn vẹt không phải chuyện hiếm bởi giá một chiếc lốp rất lớn (từ 6-9 triệu đồng/chiếc). Chủ xe lắp lốp mòn vào xe sẽ giảm được chi phí nhưng lại gây khó khăn trong quá trình điều khiển xe. Do đó, xe container mất lái chủ yếu là do lốp không đủ tiêu chuẩn sử dụng. Những chiếc xe vốn đã cũ nát nhưng chở hàng nặng rất nguy hiểm đối với người đi đường. Nếu lái xe thiếu kinh nghiệm hoặc buồn ngủ khi điều khiển phương tiện sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Điển hình, trên tuyến QL5 qua nội thành Hải Phòng liên tục bị xe containe đâm gây hư hỏng từ 1-5h sáng.

Xe cũ nát “tráo đồ” qua mặt cơ quan đăng kiểm
Dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe container trên đường.

Theo quy định, giữa 2 chu kỳ kiểm định, chủ xe phải tổ chức bảo quản phương tiện của mình. Đây chính là “kẽ hở” để các chủ xe tráo đồ của xe. Sự đánh tráo, mượn đồ diễn ra công khai tại các điểm sửa xe. Đáng chú ý, có xe sau khi nhận được danh sách liệt kê hàng loạt khiếm khuyết những chỉ sau 30 phút thì lốp, còi, đèn… đã được thay đổi theo đúng yêu cầu của đăng kiểm. Mặc dù biết các phương tiện này đã được “tráo đồ” mới nhưng đăng kiểm đành phải công nhận xe đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thậm chí, có xe vừa nhận xong tem đăng kiểm, ra ngay ngoài đường tháo đồ trả lại điểm thuê, lại lắp đồ cũ vào và cứ thế ung dung chạy trên đường. Hiện nay, trong các vụ TNGT do xe container cũ nát gây ra phần lớn là do mượn đồ. Trên thực tế, việc mua bán, cho thuê phụ tùng không có văn bản giấy tờ nên cơ quan đăng kiểm không thể can thiệp.

Trong quá trình kiểm định, lỗi dễ bị phát hiện nhất của xe container  là lốp. Thời gian gần đây, trong tổng số hơn 50 hạng mục phải kiểm tra có rất ít xe vào kiểm định bị lỗi liên quan đến lốp. Tuy nhiên, theo số liệu của lực lượng CSGT, nhiều xe vi phạm TTATGT liên quan đến lỗi kỹ thuật của xe. Việc tráo đồ “qua mặt” đăng kiểm được thực hiện khá đơn giản. Với vài chục chiếc xe, thời hạn buộc phải kiểm định giữa các xe khác nhau, chủ xe lấy đồ tốt của xe chưa đến hạn kiểm định lắp sang xe phải đi kiểm định. Với lốp, đèn, còi, kính… (những phụ tùng có thể tháo rời không phải đánh số) được thay thế nên xe đi kiểm định đạt chuẩn. Sau đó công ty thay ra, lắp đồ cũ vào. Với doanh nghiệp ít xe, không có điều kiện tráo phụ tùng sẽ nhờ tới các điểm sửa xe. Hiện nay, do giá phụ tùng xe container khá cao nên các chủ xe phải mượn hoặc thuê đồ để đăng kiểm. Cụ thể, lốp xe của Việt Nam sản xuất có giá trung bình 6 triệu/chiếc. Được biết, mỗi xe container (cả moóc) có trên 20 bánh xe. Nếu thay các các lốp xe mất khoảng 120 triệu đồng, giá thuê 20 bánh xe từ 5- 8 triệu đồng. Nếu tráo lốp xe tại doanh nghiệp chỉ mất công tháo lắp. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch vụ cho thuê đồ xe container tại Hải Phòng phát triển, công khai vì không có quy định cấm cho thuê đồ xe ô tô (trừ khung và máy). Vì lợi nhuận, chủ xe dung phụ tùng cũ tạo ra các xe cũ xe nát. Khi cơ chế quản lý xe container còn lỏng lẻo thì nguy cơ xảy ra TNGT từ loại xe này rất cao.

Quản lý các điểm sửa chữa kinh doanh phụ tùng

Theo Sở GTVT Hải Phòng, về mặt quản lý Nhà nước các hoạt động vận tải, Hải Phòng đang thực hiện tốt, đặc biệt là kiểm soát sức khỏe lái xe. Trước tình trạng xe “cũ nát” qua mặt các trung tâm Đăng kiểm bằng đủ chiêu trò “lách luật”, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới thực hiện nghiêm chức năng của người đăng kiểm. Để ngăn chặn việc tráo phụ tùng xe để kiểm định, cần làm rõ trách nhiệm và có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể, tuyên truyền, vận động đối với các chủ xe. Khi thực hiện kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm chỉ xem  xét hiện trạng của xe tại thời điểm hiện tại. Nếu xe tráo phụ tùng rất khó phát hiện và thiếu chế tài xử lý. Việc tuyên truyền, vận động sẽ phần làm thức tỉnh lương tri, tinh thần trách nhiệm chủ xe, nhất là chủ doanh nghiệp có nhiều xe. Khi xe container ở giữa 2 chu kỳ kiểm định, chủ xe cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, giám sát chặt quá trình sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện.

Các cơ quan chức năng siết chặt quản lý các điểm sửa chữa xe ô tô (trong khi rất khó phát hiện và chưa có chế tài xử lý hành vi thuê phụ tùng để đăng kiểm), yêu cầu các điểm sửa chữa xe và kinh doanh phụ tùng ký cam kết không cho thuê, mượn phụ tùng tạo điều kiện cho xe cũ nát hoạt động. Đồng thời, tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Chủ các điểm sửa chữa xe phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở, xuất xưởng những xe bảo kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nhiều xe containen phải cam kết không tráo phụ tùng giữa các xe trước khi kiểm định. Cần xây dựng đường dây “nóng” tiếp nhận thông tin về tình trạng tráo đổi phụ tùng xe để kiểm định ngay tại các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Trên cơ sở tiếp nhận thông tin, cơ quan quản lý gặp gỡ, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp không tham gia vào việc tráo đổi phụ tùng xe. Về lâu dài, ngành GTVT cần xây dựng các giải pháp khắc chế việc tráo phụ tùng đi đăng kiểm như: dán tem, chụp hình, lưu lại quá trình kiểm định chi tiết của từng xe để tránh việc đánh tráo phụ tùng, nhất là đối với những chi tiết, bộ phận liên quan trực tiếp đến an toàn của xe khi hoạt động.

Đăng Hùng
.
.
.