Nhiều phương tiện chọn đường đèo Hải Vân vì lý do phí đường hầm quá cao

Chủ Nhật, 09/05/2021, 07:56
Kể từ ngày 1/5/2021, Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân áp dụng tăng giá thu phí đối với phương tiện lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân, nhiều tài xế đã cho xe đi đường đèo Hải Vân, thay vì đi hầm.

Các tài xế cho rằng, việc không lựa chọn đi đường hầm cho an toàn hơn đường đèo, do bởi vì mức phí mới không hợp lý. Đặc biệt, nếu xe họ chỉ đến Lăng Cô, nhưng phải gánh mức phí của 3 đường hầm mà Tập đoàn Đèo Cả đầu tư xây dựng là Hải Vân 2, Phú Tượng và Phước Gia...

Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, tuy không đông đúc như trong dịp lễ 1-5, song lượng xe cộ qua đường đèo Hải Vân hiện nay vẫn rất nhiều. Đa số là xe con loại 4 chỗ và 7 chỗ; xe chở gas, khí hóa lỏng; xe chở gia súc.

Anh Phạm Văn Nguyên, một tài xế xe container cho biết, từ ngày giá vé qua Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân tăng phí qua hầm thì anh chọn đi đường đèo cho tiết kiệm. Vì giá vé qua hầm Hải Vân tăng như vậy là cao và không hợp lý. 

Dừng chân tại một quán nước trên đỉnh đèo Hải Vân, anh Nguyễn Mạnh Dũng (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), lái xe chở khách du lịch BKS 43A-347.52 cũng chia sẻ, giá vé qua Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân tăng cao nên anh phải chọn đi đường đèo, dù biết đi đường đèo xa và nhiều nguy hiểm.

“Đối với xe 7 chỗ của tôi, cứ mỗi lần từ Đà Nẵng chạy ra Huế rồi vào lại thì mất 290 ngàn đồng tiền vé qua trạm thu phí, trong đó vé qua Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân 2 lượt ra vào là 220 ngàn đồng. Trong khi đó, chạy xe qua đường đèo Hải Vân chỉ mất 20 nghìn đồng tiền xăng. Làm nghề chở khách du lịch như chúng tôi thì phải tính toán từng đồng. Đã biết bao nhiêu tiền phí mà xe phải gánh rồi, từ phí đường bộ, phí bảo hiểm, phí khí thải, phí hợp tác xã, phí giao thông vận tải. Hiện nay, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến công việc làm không đảm bảo, cứ phập phù mà thêm phí đường hầm tăng nữa thì quả là khó khăn vô cùng”, anh Dũng bày tỏ.

Anh Nguyễn Danh Thiện (trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội) điều khiển chiếc ôtô con chở một số người bạn xuất phát từ Hà Nội đi xuyên Việt cũng nêu ý kiến tương tự. 

Theo chị Lê Thị Lý, một người bán hàng trên đoạn đường khu vực đỉnh đèo Hải Vân, do giá vé qua Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân tăng, có  nhiều người dân ở TP Đà Nẵng ra Lăng Cô (Thừa Thiên- Phú Lộc) chơi đã chọn đi đường đèo để không phải mất tiền mua vé…

Các phương tiện tham gia giao thông qua lại đường đèo Hải Vân.

Hầm đường bộ Hải Vân nằm trên huyết mạch giao thông Bắc – Nam. Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 7.900 tỉ đồng. Công trình có chiều dài 6,2km (bao gồm cả đường dẫn là 12,4km), do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư, gồm 2 giai đoạn: Nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1, sửa chữa tuyến đường qua đèo Hải Vân và thi công mở rộng hầm Hải Vân 2.

Khi hoàn thành dự án, Tập đoàn Đèo Cả đưa vào hoạt động và Trạm thu phí BOT Bắc Hầm Hải Vân đã liên tiếp tăng mức thu phí, đơn cử ôtô con bị tăng mức thu phí đến 3 lần, từ 35.000 đồng lên 70.000 đồng và bây giờ là 110.000 đồng/lượt…

Trong khi đó, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, giải thích rằng, quá trình thực hiện dự án, dù còn nhiều khó khăn như vốn ngân sách Nhà nước không giải ngân đủ như đã cam kết trong hợp đồng (còn thiếu 1.180 tỉ đồng), nhưng nhà đầu tư đã chủ động huy động các nguồn lực để triển khai thi công và hoàn thành dự án đưa vào sử dụng từ ngày 11/1/2021.

Với quy mô và tổng mức đầu tư lớn như vậy, nhà đầu tư có huy động thêm vốn vay để thực hiện dự án. Vì thế, sau khi dự án hoàn thành thì nhà đầu tư được quyền thu phí để hoàn vốn thông qua giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ. Áp lực về tín dụng không phải là lý do để nhà đầu tư tăng phí.

Việc điều chỉnh này đã được quy định trong hợp đồng, không phải tình huống phát sinh; giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ, người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ(?!)...

Hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân nằm trên tuyến QL1A, có chiều dài 6,28km, được khởi công từ cuối tháng 8/2000, đến đầu tháng 5-2005 được khánh thành đưa vào sử dụng. Dự án có tổng chi phí 127,357 triệu USD. Mục tiêu của dự án này nhằm giảm thiểu TNGT trên tuyến đường đèo Hải Vân, rút ngắn thời gian qua đèo Hải Vân, góp phần phát triển kinh tế vùng miền Trung.

Đến tháng 4/2016, Bộ GTVT đồng ý cho Tập đoàn Đèo Cả triển khai dự án hầm Hải Vân 2 (mở rộng hầm lánh nạn sẵn có), nâng cấp sửa chữa hầm Hải Vân hiện có (gọi là hầm Hải Vân 1)…

Thế nhưng, hiện tại đã xảy ra nghịch lý, các tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường thiên lý Bắc – Nam lại từ chối đi đường hầm để đi đường đèo Hải Vân, chấp nhận những bất trắc đang rình rập. Nguyên nhân chủ yếu là vì mức giá thu phí tại Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân quá cao.

Đã có nhiều ý kiến về việc Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân thu phí một lúc 3 hầm đường bộ: Hải Vân, Phú Gia và Phước Tượng là bất cập, không hợp lý đối với các phương tiện từ Đà Nẵng sang Lăng Cô, không phải qua hầm Phú Gia và Phước Tượng. Vậy tại sao, chủ đầu tư không cân nhắc đặt Trạm thu phí BOT thế nào cho phù hợp để mức thu phí qua hầm đường bộ Hải Vân hợp lý hơn?

Việc các phương tiện từ chối đi hầm, bằng cách đi đường đèo Hải Vân để tránh Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân rõ ràng sẽ tạo ra nguy cơ mất an toàn giao thông, tạo thêm áp lực cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường đèo Hải Vân.

Đại úy Trần Hải Dương, Trưởng Trạm CSGT Phú Lộc (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) trao đổi rằng, vào 0h ngày 1/5, Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân đã tăng phí đối với các phương tiện đi qua hầm từ 30 - 70 nghìn đồng/xe. Việc tăng phí này khiến người tham gia giao thông có thể lựa chọn đi đường đèo Hải Vân.

Trước tình hình đó, Trạm CSGT Phú Lộc đã triển khai nắm chắc tình hình thực tế cũng như dư luận để kịp thời tham mưu cho cấp trên có phương án chỉ đạo kịp thời. Mặt khác, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát khu vực đèo Hải Vân để đảm bảo ATGT cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại khu vực này; đồng thời khuyến cáo người tham gia giao thông tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông, chạy đúng tốc độ, phần đường, làn đường quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu…

Tương tự, Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hiệp (Công an TP Đà Nẵng) cũng nêu ý kiến, đơn vị đã phối hợp với Công an quận Liên Chiểu tăng cường tuần tra kiểm soát, chốt chặn xử lý các hành vi vi phạm gây mất TTATGT trên đường đèo Hải Vân. 

Đã có hàng trăm lượt phương tiện được lực lượng CSGT dừng kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông qua tuyến đường đèo Hải Vân…

Hoài Thu - Hải Lan
.
.
.