Nhiều đơn vị cấp GPLX “nhập nhèm”trong tuyển sinh và sử dụng giáo viên

Thứ Ba, 20/08/2019, 10:45
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Đoàn thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ tại Sở GTVT và 25 đơn vị của 6 địa phương gồm Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, nhiều sai phạm đã được phát hiện. Điều này cho thấy khâu đào tạo sát hạch lái xe ở nhiều địa phương chưa được kiểm soát gắt gao.

Liên quan đến giáo viên dạy lái xe, đoàn thanh tra đánh giá, các đơn vị cơ bản có đủ giáo viên dạy lái xe và đảm bảo số lượng giáo việc dạy thực hành lái/ xe tập lái theo tỷ lệ quy định. 

Tuy nhiên, tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định, đoàn thanh tra phát hiện việc phân công giáo viên giảng dạy không đủ tiêu chuẩn để dạy lý thuyết một số khoá học; 14 đơn vị có một số giáo viên có giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe do Sở GTVT địa phương khác cấp hoặc mang tên cơ sở đào tạo lái xe khách hoặc không đúng quy định; trường Cao đẳng nghề số 9 (Vĩnh Long) và Cơ sở 2 trường Cao đẳng nghề số 9 (Cần Thơ) có 27 giáo viên trùng nhau, trong đó hồ sơ tài liệu một số khoá học thể hiện một số thời điểm hai đơn vị cùng sử dụng một số giáo viên để dạy thực hành lái xe; Trường Cao đẳng Cơ điện-Xây dựng và nông lâm Trung bộ, Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định (Bình Định) có một số giáo viên không có phù hiệu giáo viên hoặc một số phù hiệu giáo viên không đúng mẫu quy định; Trung tâm DNLX Dầu khí (Bà Rịa-Vũng Tàu) không lưu trữ hồ sơ của một số giáo viên dạy lái xe để phục vụ công tác quản lý.

"Lỗ hổng" trong đào tạo GPLX vẫn còn
Về vấn đề tuyển sinh, dù chỉ kiểm tra xác suất tại một số đơn vị, song đoàn thanh tra Bộ GTVT cũng đủ thấy sự “lỏng lẻo” của nhiều địa phương.

 Cụ thể, trung tâm đào tạo dạy nghề lái xe đường bộ số 10 (Hậu Giang), Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Gia Thịnh (Vĩnh Long), Trung tâm đào tạo kỹ thuật giao thông Long An chưa xây dựng, ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo lái xe cơ giới đường bộ hoặc quy chế không đầy đủ thông tin về tuyển sinh hoặc không niêm yết công khai quy chế tuyển sinh đào tạo tại trụ sở đơn vị theo quy định; 20 đơn vị có một số hồ sơ học viên học lái xe chưa đảm bảo như đơn đề nghị học sát hạch để cấp GPLX không do học viên tự viết ký tên hoặc không ghi ngày làm đơn, hạng xe đề nghị học hoặc ngày làm đơn sau ngày khai giảng khoá học hoặc thiếu thông tin; giấy khám sức khoẻ có ngày khám sau ngày khai giảng khoá học hoặc người được khám sức khoẻ không tự khai đầy đủ thông tin hoặc không ký tên trong giấy khám sức khoẻ.

 Thậm chí, Trung tâm đào tạo, doanh nghiệp lái xe đường bộ số 10 (Hậu Giang), Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Gia Thịnh (Vĩnh Long), Trường trung cấp nghề SAVINA (Long An) có một số hồ sơ học lái xe ô tô không có giấy khám sức khoẻ hoặc giấy khám sức khoẻ không kết luận về tình trạng sức khoẻ để lái xe; 5 đơn vị không thực hiện ký hợp đồng đào tạo lái xe với một số học viên học lái xe ô tô theo quy định...

Trước hàng loạt thiếu sót, tồn tại kể trên, Đoàn thanh tra Bộ GTVT cho rằng trách nhiệm thuộc Sở GTVT mà trước hết là Cơ quan quản lý sát hạch thuộc Sở. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT 6 tỉnh kể trên sớm khắc phục những bất cập kể trên, báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 31-8. Trường hợp đơn vị không thực hiện đủ các điều kiện thì thu hồi giấy phép xe tập lái; rà soát lại khâu giấy khám sức khoẻ của người lái; tăng cường giám sát đối với kỳ sát hạch lái xe ô tô...

Cuối cùng, đoàn Thanh tra cũng yêu cầu các Sở GTVT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các tồn tại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại địa phương; trong đó có tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng sát hạch lái ô tô, tổ sát hạch lái xe mô tô thực hiện không đúng quy trình sát hạch...

Phạm Huyền
.
.
.