Nhiều bất cập trong hoạt động xe buýt tuyến được trợ giá

Thứ Sáu, 17/02/2017, 09:41
Mặc dù có nhiều tuyến được trợ giá theo quy định của Nhà nước nhưng thời gian qua, các tuyến xe buýt của Công ty TNHH TM&DV Hoàng Đức hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, được người dân lẫn cán bộ, công nhân viên chức phản ánh đến cơ quan chức năng.

Đi vào hoạt động từ tháng 6-2011, hiện Công ty TNHH TM&DV Hoàng Đức 
(Công ty Hoàng Đức) đang khai thác 12 tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế với gần 50 đầu xe, trong đó có 5 tuyến được trợ giá theo quy định. 

Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, các tuyến trợ giá của xe buýt Hoàng Đức hoạt động khiến người đi xe buýt thường bị trễ giờ làm việc, trong đó phải kể đến các đầu xe chạy tuyến bến xe phía Nam, TP Huế đi thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền).

Xe buýt chạy tuyến Phong Điền của Công ty Hoàng Đức còn nhiều bất cập khiến người dân bức xúc.

Chị Nguyễn Khoa Xuân Thủy, nhà ở thôn Trạch Thượng 1, thị trấn Phong Điền, hiện là nhân viên của một khách sạn trên địa bàn TP Huế cho biết, do nhà ở xa địa điểm làm việc nên 7 năm qua, chị chọn tuyến xe buýt Phong Điền của Công ty Hoàng Đức để tiện cho việc đi lại. 

“Mới đây, tôi đến trạm xe buýt tại thị trấn Phong Điền từ 6h45 nhưng đợi đến hơn 7h30 mới có xe đến, khi xe vào trạm Bến Ngự (TP Huế) thì đã 8h30. Do nhiều lần đi xe buýt bị trễ giờ làm việc nên tôi bị cơ quan nhắc nhở. Quá bức xúc, tôi đã không ít lần gọi vào đường dây nóng của Công ty Hoàng Đức để phản ánh thì không ai nghe máy...”, chị Thủy nói.

Tương tự, nhiều hành khách khi đi tuyến xe buýt Phong Điền dừng ở các trạm Tứ Hạ; Đồng Lâm... cũng phản ánh thường bị chậm trễ chuyến, gây ảnh hưởng đến công việc. 

Một cán bộ viên chức làm việc tại Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phản ánh: “Tôi mua vé tháng với giá 160.000 đồng/tháng nhưng khi đến trạm đón xe đi làm thì bữa có xe, bữa không. Mới đây, ngày 8-2, tôi đi chuyến thị trấn Tứ Hạ vào TP Huế, đợi từ 6h15 đến khoảng 1 tiếng sau không thấy xe nên phải đón xe khách để vào cơ quan. Do xe khách đỗ tại bến xe phía Bắc TP Huế nên tôi phải đón xe ôm một lần nữa rất bất tiện”. 

Ngoài ra, các hành khách còn phản ánh xe buýt chạy một số tuyến của Công ty Hoàng Đức quá bẩn, tài xế xe thiếu nhã nhặn đối với hành khách...

Trao đổi về những bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt của Công ty Hoàng Đức, ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, đơn vị đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một số xe của tuyến xe buýt có trợ giá của Công ty Hoàng Đức có thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, theo dõi; xe quá bẩn; một số xe chạy sai hành trình; tình trạng kỹ thuật xe xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, dẫn đến tình trạng xe bỏ nốt, chạy không đúng giờ... qua đó, Sở đã yêu cầu Công ty Hoàng Đức chấn chỉnh.

Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội TTKS số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cho biết, thời gian gần đây, đơn vị đã xử lý nhiều trường hợp xe buýt Hoàng Đức chạy tuyến Phong Điền không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện và vi phạm trật tự ATGT. 

Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu công ty Hoàng Đức tiến hành tu sửa các xe buýt xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển hành khách.

Lý giải những bất cập nói trên, ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Hoàng Đức cho rằng, do một số nút giao thông ở TP Huế thường xuyên diễn ra kẹt xe, nhất là khi công ty chuyển từ xe buýt 40 chỗ sang xe 60 chỗ ngồi dẫn đến một số chuyến bị chậm trễ giờ. 

“Riêng tuyến Phong Điền, hiện công ty đã đổi 6 đầu xe loại 60 chỗ, tăng cường thêm 2 xe để thay thế khi có sự cố và thay đổi, bố trí các lái xe, nhân viên để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trong hoạt động của xe buýt tuyến trợ giá”, ông Hoài cho hay.

Anh Khoa
.
.
.