Người trên 16 tuổi điều khiển phương tiện phải có bằng A0: Quy định để người dân nâng cao ý thức hơn

Thứ Bảy, 27/06/2020, 09:02
Đây là một trong những quy định được đưa ra tại dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi). Nội dung này được coi là một bước tiến lớn trong việc thay đổi ý thức người tham gia giao thông và đang nhận được sự đồng tình từ phía người dân.

Thống kê cho thấy cứ 100.000 người độ tuổi 16-18, có 32 ca tử vong mỗi năm vì TNGT, tỉ lệ này cao gấp 3-4 lần nếu so với người trên 18 tuổi.  Nhìn vào những con số thương tâm, Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia - ông Khuất Việt Hùng bày tỏ quan điểm: những người điều khiển xe máy có dung tích xilanh từ 49cm3trở xuống hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe.

Học sinh điều khiển xe điện cũng cần có bằng lái để đảm bảo an toàn.

Nhiều năm nay, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã nghiên cứu về ATGT cho trẻ em thấy nhóm đối tượng học sinh từ Trung học Cơ sở trở lên chiếm 70% số trẻ em bị TNGT và trong đó có 90% các cháu điều khiển phương tiện tự gây TNGT.

Cũng theo ông Hùng, hiện các nhà trường đều có tuyên truyền giáo dục về ATGT, nhưng việc sát hạch nghiêm túc về các quy định pháp luật về ATGT và đào tạo các kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho an toàn cho trẻ em chưa được thực hiện. Do đó, việc đưa quy định này sẽ là cơ sở pháp lý cho quá trình nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cũng như văn hoá giao thông cho học sinh khi điều khiển phượng tiện giao thông.

“Trong Luật Giao thông Đường bộ lần này, ngoài việc quy định cấp giấy phép lái xe A0, sẽ có quy định cụ thể của ngành giáo dục trong việc đào tạo kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Vì vậy, những nội dung cần thiết để chuẩn bị cho sát hạch như: Lý thuyết, thực hành có thể đưa vào chương trình giáo dục chính thức (hoặc ngoại khoá) đúng theo yêu cầu phục vụ sát hạch”, ông Hùng cho hay.

Nói thêm về nội dung dự thảo, bà Hoàng Hồng Hạnh- Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết, việc học thi cấp giấy phép lái xe A0 sẽ trang bị kiến thức pháp luật về ATGT cho học sinh khi tham gia giao thông. Đồng thời, quy định cũng phù hợp với các quy định của Công ước Vienna (Công ước 1968), đáp ứng được yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cũng cho rằng hiện tỉ lệ tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên hiện vẫn ở mức cao. Do đó, nên ủng hộ quy định người trên 16 tuổi điều khiển xe máy dưới 50cc và xe máy điện phải có gấy phép lái xe A0. Cụ thể, trước thềm năm học mới của lớp 10 yêu cầu tất cả các học sinh phải đi học về Luật Giao thông đường bộ và thi cấp bằng A0 để trang bị các kiến thức về ATGT.

Một giáo viên dạy lái xe thì bày tỏ, để việc triển khai thi bằng lái A0 đạt hiệu quả, các đơn vị nhà nước phải tiến hành có lộ trình, bài bản, kịp thời bổ sung các quy định liên quan. Đặc biệt là việc bổ sung giáo án, chương trình đào tạo đầy đủ kỹ năng lái xe, đạo đức lái xe, điều chỉnh tâm lý, hành vi lái xe cho trẻ và hướng dẫn xử lý tình huống bất ngờ.

Ở lứa tuổi 16-18 tâm lý rất dễ bị kích động, thích khám phá và cảm giác mạnh, muốn đào tạo các em lái xe an toàn sẽ phải công phu hơn với người trên 18 tuổi. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ từ 16-18 tuổi là trách nhiệm chung, phụ huynh cũng phải chung tay. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tìm hiểu luật, đi đúng luật, chọn xe cho con đúng quy định,đúng độ tuổi.

Để kiểm soát và kéo giảm TNGT trong học sinh, mới đây Ủy ban ATGT Quốc gia đã có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục; yêu cầu người đứng đầu cơ sở giáo dục có tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, nhất là các hành vi vi phạm nguy hiểm như: Điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 2 hàng 3, chở quá số người quy định; xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở, đơn vị chức năng trực tiếp phụ trách địa bàn trong việc để xảy ra TNGT liên quan đến học sinh.

Đặng Nhật
.
.
.