Xử lí xe quá tải: Nếu không giải quyết được bất cập, khó đạt mục tiêu đề ra

Thứ Bảy, 18/04/2015, 08:55
Để “trốn” lực lượng chức năng, nhiều lái xe đỗ tại các cây xăng, quán ăn dọc hai bên đường để chờ hết ca tuần tra lại cho lưu thông, hoặc cố tình chây ỳ không hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng…

Với mục tiêu đến hết năm 2015 cơ bản giảm hẳn vi phạm xe chở hàng quá tải lưu thông trên đường bộ, theo kế hoạch, lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp với ngành Giao thông vận tải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý đối với hành vi chở quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, nhằm góp phần làm giảm nguy cơ gây mất TTATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố cũng quyết liệt vào cuộc để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, sẽ khó đạt được mục tiêu trên nếu không giải quyết triệt để những bất cập trong quá trình thực hiện.

Muôn kiểu lách luật

Thiếu trạm cân di động; chưa có kho, bãi để bảo quản chứa hàng đông lạnh, nông sản tươi sống, chất lỏng… để hạ tải nên khi phát hiện xe quá tải, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt rồi cho đi tiếp, chứ không thể buộc hạ tải theo định. 

Bên cạnh đó, để “trốn” lực lượng chức năng, nhiều lái xe đỗ tại các cây xăng, quán ăn dọc hai bên đường để chờ hết ca tuần tra lại cho lưu thông, hoặc cố tình chây ỳ không hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng… khiến công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT lại càng khó khăn hơn.

Đơn cử như tại tỉnh Bắc Ninh, cả tỉnh chỉ có 1 trạm cân di động, lưu chuyển trên các tuyến quốc lộ nên tại các tỉnh lộ, huyện lộ gần như bỏ ngỏ. Lợi dụng điều này, các xe quá tải đã né tránh trạm cân, đi vào các đường liên huyện, liên xã, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.

 Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe.

Tại huyện Quế Võ (huyện có nhiều khu công nghiệp) thì từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của huyện phát hiện và xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông, nhưng chỉ mới xử lý được 20 trường hợp phương tiện chở quá tải trọng, chiếm 1% tổng số vi phạm. 

Nguyên nhân được đánh giá là do mạng lưới và hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện kết nối với nhiều tuyến đường tỉnh và địa phương khác, tạo cơ hội né tránh cho phương tiện chở quá tải. 

Đặc biệt, để xác định được các phương tiện có vi phạm về tải trọng hay không, lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ thủ công, như: xác định vi phạm bằng mắt thường hoặc qua kiểm tra các hóa đơn hàng, đo đếm các phương tiện chở hàng có khối lượng cụ thể được định sẵn trong bao bì..., khi phát hiện ra lỗi vi phạm lại phải đưa đến những địa điểm cân cố định để cân và xử lý lỗi quá tải. Điều này không chỉ gây mất thời gian, mà hiệu quả xử lý cũng không cao.

Tại tỉnh Bắc Giang, ngày đầu ra quân xử lí xe quá khổ, quá tải (3/4), lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông, Cảnh sát cơ động, cán bộ Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện xe cơ giới đường bộ phối hợp với lực lượng tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tổ chức chốt chặn 24/24 giờ trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Tân Thịnh (Lạng Giang), đã phát hiện, cưỡng chế 12 phương tiện cắt bỏ thành, thùng theo quy định. 

Tuy nhiên, tại nhiều huyện, đặc biệt là những địa phương có mỏ quặng, đất, đá thì xe quá tải vẫn hoạt động. Các loại phương tiện trên thường chọn thời điểm giao ca, đêm tối… để tránh bị kiểm soát. Trong khi đó, tại cấp huyện thì tổ liên ngành ít người nên rất khó lập chốt chặn 24/24h…

Phải giải quyết bất cập tại gốc

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT khẳng định, “muốn xử lí dứt điểm xe quá tải là phải kiểm tra việc xếp hàng đúng trọng tải ngay tại các kho, cảng, bến bãi nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ôtô vận tải để xử lý, ngăn chặn kịp thời trước khi xe lưu thông trên đường; đồng thời đình chỉ hoạt động của các xe tự ý cải tạo, cơi nới kích thước thùng trái quy định...”.

Bộ GTVT cần chấn chỉnh bất cập trong chính ngành giao thông. Đơn cử như việc cho nhập các loại xe quá khổ, quá tải, đặc biệt là loại xe chở vật liệu xây dựng mang nhãn hiệu Howo (thường gọi là xe hổ vồ). Đây là loại xe không được phép chạy trên các tuyến quốc lộ ở Trung Quốc nhưng Việt Nam lại cho nhập khẩu rất nhiều.

Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế cắt thùng xe cơi nới. 

Chính vì vậy mới xảy ra nghịch lý xe cho nhập về, cho đăng kiểm, thế nhưng khi chạy ra đường thì lại bị phạt vì chở quá tải. Khi nhận ra hậu quả phá đường của những chiếc xe này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT tạm dừng nhập khẩu loại xe này. Nhưng đến nay chưa có văn bản chính thức về việc tạm dừng nhập khẩu loại xe trên.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng xe quá tải, Bộ Công an và Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn; tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết, yêu cầu đảm bảo đúng trọng tải mới cho xe xuất phát; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lí. Khẩn trương hoàn thành lắp đặt cân điện tử cố định trên một số tuyến quốc lộ, trọng điểm; triển khai lắp đặt trạm cân tại các trạm thu phí. 

Đặc biệt, Bộ Công an đề nghị, UBND, Ban ATGT các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo phân tích, đánh giá tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm giải quyết của từng lực lượng và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong xử lí xe quá trọng tải. Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải. Thanh tra giao thông xử lí vi phạm trọng tải tại các điểm giao thông tĩnh, nơi bốc xếp hàng hóa, cấm lưu thông đối với các loại xe không đảm bảo an toàn…

Việc kiểm soát, siết chặt tải trọng xe là để thúc đẩy thị trường vận tải phát triển lành mạnh, bền vững. Nhưng để mục tiêu đến hết năm 2015 cơ bản không còn phương tiện chở quá tải thì cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp mạnh về kiểm soát tải trọng xe như yêu cầu của Chính phủ đối với công tác này. 

Đó là kiểm soát triệt để, không để xe chở quá tải trọng cho phép “lọt lưới” trong mọi điều kiện không gian, thời gian; không phân biệt quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ. Vận động nhân dân phát hiện, tố giác hành vi chở hàng quá tải, nâng ý thức bảo vệ công trình giao thông; tố cáo tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ, đấu tranh xử lý nghiêm hoạt động bảo kê, bảo lãnh cho hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép…

Xe quá tải tìm mọi cách né trạm cân

Tối 16/4, hàng trăm xe chở hàng quá tải lưu thông trên quốc lộ 19, đoạn qua địa phận thị xã An Khê, Gia Lai đã cố thủ và né tránh dọc đường, không chịu qua trạm cân tải trọng ở xã Song An, An Khê, Gia Lai. Lý do các tài xế né trạm là chở quá tải khá nhiều, nếu phải lên cân tải trọng sẽ chịu phạt nặng, không có tiền chi phí...

Ông Nguyễn Đăng Hưng, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Gia Lai, phụ trách trạm cân tải trọng trên quốc lộ 19 ở Song An, An Khê, Gia Lai cho biết, nhiều lái xe đã huy động phụ nữ đến “quậy” lực lượng làm nhiệm vụ và gây ách tắc giao thông kéo dài. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, cơ quan chức năng đã giải phóng ách tắc cho xe lưu thông qua trạm. (N.Như)
Thu Anh
.
.
.