Mở bến xe sau 0h: Lo mất nhiều hơn được

Thứ Sáu, 20/03/2020, 08:59
Mới đây, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội kéo dài thời gian hoạt động của các bến xe trên địa bàn Hà Nội sau 0h hàng ngày. Cùng với đó, sẽ mở thêm nhiều tuyến xe chạy đêm, để thu hút hành khách tham gia vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc này có thể gây xáo trộn hoạt động vận tải.

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Theo thống kê trên biểu đồ hoạt động, các tuyến xe khách có “nốt” giờ xuất bến trong khoảng thời gian từ 19h hôm trước đến 6h hôm sau là 980 chuyến (chưa tính các chuyến xe xuất bến từ các tỉnh, thành phố từ đêm hôm trước tới các bến xe của Hà Nội trong khung giờ ban ngày).

Về khung giờ hoạt động, giờ xuất bến tại Bến xe Nước Ngầm từ 5h đến 24h hằng ngày; Bến xe Giáp Bát từ 5h đến 20h hằng ngày; Bến xe Mỹ Đình từ 5h đến 23h45 hằng ngày; Bến xe Gia Lâm từ 6h đến 23h hằng ngày; Bến xe Yên Nghĩa từ 6h đến 21h45 hằng ngày và Bến xe Sơn Tây từ 6h đến 19h hằng ngày. Ngoài các khung giờ nói trên, nếu có xe đến, các bến xe vẫn tiếp nhận kể cả khi đã đóng bến. Như vậy, có thể thấy xe khách chạy đêm là bình thường đối với hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định.

Xe khách chạy đêm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Phương án mà Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu là kéo dài thời gian phục vụ của bến xe nhằm tăng khả năng tiếp nhận của bến, đáp ứng thêm nhu cầu đi lại của nhân dân vào các khung giờ thấp điểm, qua đó tạo thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông của thành phố. Việc kéo giãn mật độ phương tiện và hành khách sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trong các khung giờ cao điểm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần khảo sát kỹ nhu cầu đi lại của hành khách nhằm tránh lãng phí, trước khi quyết định mở thêm thời gian hoạt động cho các bến xe. Đặc biệt là vấn đề kéo dài thời gian hoạt động của bến xe và việc mở cho các tuyến xe đêm chạy xuyên tâm thành phố.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, tại các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường tập trung vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng”. Vào các khung giờ này, mật độ xe ra vào bến dày đặc cho nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Hiện nay, lượng khách đã giảm hẳn, kể cả ngày Tết, ngày lễ. Có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch.

Đại diện Hiệp hội cũng cho rằng, Bộ GTVT đã ấn định tần suất chạy của hai đầu bến đối với các tuyến xe liên tỉnh, nên tăng xe khách hoạt động sau 24h sẽ đảo lộn quy hoạch. Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nhận định, cần nghiên cứu nhu cầu hành khách đi lại sau 24h đối với từng tuyến, bởi hiện nay xe khách hoạt động trước 24h đã cơ bản đảm bảo nhu cầu của người dân.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành nhà xe Hà Sơn – Hải Vân, hoạt động trên tuyến Hà Nội – Lào Cai cũng cho rằng, việc cho phép xuất bến sau 0 giờ chỉ phù hợp với những tuyến chạy đường dài, có địa điểm du lịch. Dẫn chứng từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Dũng cho biết, chuyến cuối cùng xuất bến tại Hà Nội là 12 giờ, đến Lào Cai, Sa Pa khoảng 5 giờ, đủ để hành khách thuê phòng và tham gia hoạt động du lịch.

Với hành khách, việc đi xe ban đêm cũng chỉ là “bất đắc dĩ” bởi ban đêm có nhiều lái xe chạy khá ẩu, hay ngủ gật, vô cùng nguy hiểm. Năm 2018, trước hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc liên quan đến các tuyến xe chạy đêm, Ủy ban ATGT quốc gia đã thống kê, số vụ TNGT xảy ra từ 0 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau chiếm khoảng 10% trên tổng số vụ tai nạn. Hậu quả từ các vụ TNGT xảy ra trong thời điểm này lại nghiêm trọng hơn các thời điểm khác trong ngày.

Sau khi nhận được văn bản của Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị, phản ánh về đề xuất của một số doanh nghiệp vận tải muốn kéo dài thời gian đóng bến xe sau 0h, Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi. Bộ GTVT cho biết: Căn cứ quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GTVT địa phương (đối với tuyến nội tỉnh) và Sở GTVT hai đầu tuyến (đối với tuyến liên tỉnh) thống nhất và công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Sở biểu đồ chạy xe của từng tuyến do Sở GTVT quản lý.

Trong đó giờ xe xuất bến các ngày trong tháng (đối với tuyến liên tỉnh) do Sở GTVT 2 đầu tuyến thống nhất và công bố; đồng thời theo quy định hiện hành thì thời gian mở bến, đóng bến do địa phương quyết định trên địa bàn địa phương mình. Từ thực tế trên, Bộ GTVT chuyển Văn bản của Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội để Sở GTVT Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định.

Đặng Nhật
.
.
.